Chính trị
Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội
Sáng 12/2 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Tham dự Phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước - Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư - Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Đỗ Văn Chiến; Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Trong sáng 12/2, thảo luận về sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tại tổ số 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu có 2 đại biểu: Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hoa Ry thống nhất với đề xuất tại Tờ trình giao Hội đồng Dân tộc phụ trách lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để thống nhất đầu mối phụ trách, theo dõi hoạt động của cơ quan tương ứng trong Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị về việc giao bổ sung nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc gắn với bổ sung nhân sự liên quan về lĩnh vực được giao để tránh bị động, không liên tục. Với nội dung chi tiết, những vấn đề cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Hoa Ry đề nghị quy định “Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là những cơ quan của Quốc hội” thay vì “Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là những cơ quan chuyên môn của Quốc hội” như dự thảo để bảo đảm tính pháp lý và phù hợp với chức năng của Quốc hội. Cụm từ “cơ quan của Quốc hội” nhấn mạnh vai trò trực thuộc và sự chịu trách nhiệm trước Quốc hội của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; thể hiện đầy đủ vai trò, thẩm quyền, tính đại diện và địa vị chính trị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong hệ thống quyền lực nhà nước, không đơn thuần là các cơ quan chuyên môn. Chế độ trách nhiệm, cần quy định rõ thời điểm báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp để làm cơ sở thống nhất thực hiện. Ngoài ra, tại Điều 6 về trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, đề nghị rà soát bổ sung nhóm nhiệm vụ mới về nghiên cứu khoa học và công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bổ sung nội dung về “tín ngưỡng, tôn giáo”. Tại Điều 23 về cơ cấu tổ chức của vụ chuyên môn, đề nghị giải thích, làm rõ hơn nội hàm của “chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên”; đề nghị cân nhắc, chỉnh lý theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng Phó Vụ trưởng tối đa của các vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban quyết định số lượng nhân sự cụ thể.
* Cũng liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu về nội dung quy định “kỳ họp thường lệ” và “kỳ họp bất thường”. Theo Luật Tổ chức Quốc hội quy định, Quốc hội Việt Nam có 2 kỳ họp thường lệ hàng năm; và tổ chức kỳ họp bất thường khi có yêu cầu. Đối với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã có 8 kỳ họp thường lệ và có 9 kỳ họp bất thường. Hiện tại, tổng số kỳ họp bất thường đã lớn hơn tổng số kỳ họp thường lệ.
Theo quy định, các kỳ họp bất thường được tổ chức là cấp thiết, vì đã giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách, không thể trì hoãn, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, theo đại biểu Huy Thái, nếu xét tính chất, nên chăng ngoài việc quy định về “kỳ họp thường lệ” và “kỳ họp bất thường”, cần xem xét, nghiên cứu bổ sung chế định “kỳ họp chuyên đề”. Đại biểu Huy Thái đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm nghiên cứu vấn đề này vì đây là vấn đề hiện có nhiều ĐBQH quan tâm.
* Chiều ngày 12/2, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái tiếp tục nhắc lại ý kiến về việc bổ sung kỳ họp chuyên đề bên cạnh các kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường như ý kiến thảo luận tổ buổi sáng. Bên cạnh đó, đại biểu Huy Thái cũng cho ý kiến liên quan đến quy định về văn bản mật. Theo đại biểu, có một thực tế về cấp độ văn bản (ví dụ tính chất chỉ là “khẩn” nhưng ghi là “hỏa tốc”…) hay cấp độ “mật” nhưng ghi là “tối mật”, hiện đang có những ý kiến về việc cần xem xét, điều chỉnh cho đúng với tính chất của nó. Đại biểu Huy Thái cũng kiến nghị, với một số vấn đề vướng mắc, mà nguyên nhân đến từ các quy định của Hiến pháp, thì trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đại biểu cho rằng cũng đã đến lúc cần nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới.
Tin, ảnh: K.P - Thanh Phú - Thanh Thúy