Duy tu, sửa chữa và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông: Nhiều việc phải làm

Thứ Hai, 26/12/2022 | 16:39

Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT). Xuất phát từ tầm quan trọng này, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề và đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác duy tu, bảo trì kết cấu HTGT.

Nâng cấp và sửa chữa đường giao thông trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

NHIỀU TUYẾN GIAO THÔNG CHƯA THEO ĐÚNG CẤP KỸ THUẬT

Trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã nêu quan điểm về công tác bảo trì như sau: “Coi trọng công tác bảo trì, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động đảm bảo hiệu quả, bền vững trong khai thác kết cấu HTGT hiện có”.

Từ chỉ đạo trên cho thấy, công tác duy tu, bảo trì kết cấu HTGT là rất quan trọng. Bởi mục đích của việc làm này chính là kéo dài thời gian khai thác HTGT đường bộ, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo năng lực khai thác vận tải một cách an toàn, thân thiện với môi trường. Đối với tỉnh Bạc Liêu, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đường giao thông của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài 127km đường Quốc lộ do Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) quản lý đi qua địa bàn tỉnh, các tuyến đường trên toàn tỉnh có chiều dài tổng cộng trên 3.946km, bao gồm đường tỉnh 343,97km, đường huyện 912,83km, đường đô thị 377,65km, đường xã và đường giao thông nông thôn 2.311,80km. Trong đó, giao thông đô thị của TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp và góp phần tạo bộ mặt mới cho đô thị. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã và trục xóm, ấp được tỉnh quan tâm đầu tư (kể cả đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dần đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo cấp đường quy hoạch, chất lượng khai thác của các tuyến còn thấp, nhiều tuyến có mặt đường hẹp, hành lang bảo vệ đường bị lấn chiếm.

Đối với việc quản lý khai thác và bảo trì kết cấu HTGT đường bộ đã được phân cấp thực hiện gắn với phân cấp đầu tư. Như các tuyến đường do Bộ GT-VT quản lý khai thác và bảo trì, nguồn kinh phí thực hiện do cấp ngân sách Trung ương đảm bảo. Các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu cơ bản được đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì theo đúng cấp kỹ thuật quy hoạch, các tuyến đường này được khai thác không hạn chế tải trọng, tình trạng mặt đường khai thác tốt.

Đối với các tuyến đường do tỉnh Bạc Liêu quản lý khai thác và bảo trì, nguồn kinh phí thực hiện do cấp ngân sách cấp tỉnh cấp. Các tuyến đường tỉnh phần lớn được đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì chưa theo đúng cấp kỹ thuật quy hoạch (hiện nay chỉ có tuyến đường Giá Rai - Gành Hào, Vĩnh Mỹ - Phước Long cơ bản đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch). Phần lớn các tuyến đường tỉnh còn lại được khai thác hạn chế tốc độ, tải trọng, tình trạng mặt đường khai thác ở mức trung bình đến thấp.

Riêng các tuyến đường do huyện, xã thực hiện quản lý khai thác và bảo trì, nguồn kinh phí thực hiện do cấp ngân sách cấp huyện, xã đảm bảo. Các tuyến đường huyện, xã phần lớn được đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì chưa theo đúng cấp kỹ thuật quy hoạch, các tuyến đường này được khai thác hạn chế tốc độ, tải trọng, tình trạng mặt đường khai thác ở mức trung bình đến thấp…

Từ thực trạng trên cho thấy, công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ là một trong những khó khăn của tỉnh Bạc Liêu hiện nay, nhất là tình trạng thiếu và không có vốn đầu tư để xây dựng các công trình giao thông đúng chuẩn kỹ thuật.

Thi công cầu giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.T

ĐẦU TƯ CÒN HẠN CHẾ

Để công tác quản lý, bảo trì giao thông đường bộ đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường tỉnh quản lý, đồng thời góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế với chức năng là “huyết mạch”, Bạc Liêu đã tranh thủ và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này. Hằng năm, từ nguồn kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương chuyển về địa phương và nguồn sự nghiệp kinh tế của tỉnh, Bạc Liêu đã đầu tư sửa chữa, đảm bảo giao thông được trên 220km đường tỉnh. Trong đó, dành riêng khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện sửa chữa, gia cố lề các tuyến đường tỉnh quản lý. Đến nay, đã thực hiện sửa chữa, gia cố 2 bên lề đường hơn 82km, với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng. Qua đó, giúp các tuyến đường phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông thông thoáng, an toàn hơn cho doanh nghiệp, người dân. Phần kinh phí còn lại để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (như dặm vá ổ gà) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Có thể thấy, việc thực hiện bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ đã góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, tuổi thọ và khả năng khai thác của các tuyến đường đảm bảo thông suốt, an toàn và khắc phục tình trạng “điểm đen” khá hiệu quả. Song, nhìn tổng thể thì vốn đầu tư cho công tác này chưa nhiều và còn gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê và so sánh với các địa phương cho thấy, vốn sự nghiệp kinh tế để đầu tư quản lý, bảo trì 1km đường bộ của Cà Mau cao hơn Bạc Liêu trên 16 lần, Sóc Trăng cao hơn Bạc Liêu 14,24 lần và Hậu Giang cao hơn Bạc Liêu 7,30 lần…

Từ những con số trên có thể thấy, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí để thực hiện công tác quản lý và bảo trì các công trình giao thông của tỉnh Bạc Liêu hiện nay là quá thấp và ngày càng giảm. Trong khi đó, khối lượng công việc phải thực hiện ngày càng tăng do: tình trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình giao thông ngày càng tăng theo thời gian; chi phí vật tư, nhân công, xe máy để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đều tăng…

Xuất phát từ việc bố trí kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì đường bộ hạn hẹp nên chưa đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp của công trình đường bộ. Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chưa thực hiện được mặc dù phần lớn các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ khá lâu như tuyến: Hiệp Thành - Xiêm Cán, Thuận Hòa - Xiêm Cán, Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí, An Trạch - Định Thành - An Phúc - Gành Hào, Cầu Sập - Ninh Quới - Ngan Dừa - Vĩnh Lộc A… Tất cả những tuyến đường giao thông trọng điểm này đến nay đã xuống cấp và quá thời hạn bảo trì nhưng chưa được đầu tư thực hiện sửa chữa vừa, sửa chữa lớn theo quy định, chỉ được dặm vá, gia cố lề, láng nhựa bảo dưỡng mặt đường để duy trì tuổi thọ trong thời gian ngắn…

Thêm vào đó, trong giai đoạn vừa qua, với nguồn vốn đã được bố trí, phần lớn kinh phí dành cho sửa chữa, gia cố lề đường, phần còn lại chủ yếu chỉ thực hiện được công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, dặm vá, sửa chữa ổ gà, đảm bảo giao thông được thông suốt. Việc xử lý này chỉ mang tính chất cục bộ, ứng phó tạm thời chứ không xử lý, giải quyết được triệt để tình trạng các công trình giao thông bị xuống cấp nên dẫn đến tình trạng mới dặm vá xong đường đã hư!

Đặc biệt, việc áp dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào công tác này còn chậm và chưa phổ biến. Nhiều giải pháp KH-CN và vật liệu mới chưa có tiêu chuẩn; cơ chế cho ứng dụng sản phẩm KH-CN và vật liệu mới còn phức tạp; một số giải pháp thực hiện kinh phí cao, nguồn nhân lực về KH-CN còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu, thông tin về quản lý bảo trì còn yếu, chưa cập nhật đầy đủ và kịp thời tình trạng của kết cấu HTGT nên chưa ứng dụng tốt trong việc xây dựng kế hoạch và theo dõi chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo trì. Chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung về kết cấu HTGT, bao gồm tất cả các lĩnh vực; số liệu còn chênh lệch giữa các cơ quan quản lý, dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý, số liệu thống kê hiện trạng của mỗi cơ quan, đơn vị còn khác nhau, không thống nhất…

KIM TRUNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận: Bố trí kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ và đường thủy nội địa 

Kết cấu HTGT là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có kết cấu HTGT vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu HTGT với phương châm giao thông “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu HTGT của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn lực làm cho công tác đầu tư phát triển kết cấu HTGT triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống kết cấu HTGT hiện hữu cũng chưa có điều kiện được quản lý, bảo trì một cách bài bản, đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác của các công trình giao thông.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì công trình HTGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tôi đề nghị Sở GT-VT triển khai thực hiện thật tốt và có hiệu quả Kế hoạch 164 của UBND tỉnh về xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu HTGT đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của tỉnh và Kế hoạch chuyển đổi số của Sở GT-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu ứng dụng hiệu quả các thành tựu KH-CN, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu HTGT.

Cùng với đó, Sở GT-VT và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp tổ chức thực hiện kiểm tra, cắm bổ sung mốc lộ giới, biển báo hiệu đường bộ bị mất, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông và giao cho các bộ phận chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ đất hành lang an toàn đường bộ, mốc lộ giới đã được cắm và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu HTGT đường bộ, hành lang an toàn đường bộ để mọi người hiểu, ý thức chấp hành thực hiện.

Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương và UBND các xã liên quan tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi xây dựng, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn theo thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương quy định tại Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu HTGT đường bộ và phối hợp với các đơn vị chức năng trong cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm theo quy định tại Quyết định 23 của UBND tỉnh.

Sở Tài chính, Sở KH-ĐT theo dõi, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí dành cho quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa theo kế hoạch, hướng dẫn các địa phương phân bổ, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đúng quy định, đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đồng thời, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ quản lý, bảo trì phải rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt để các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện nhằm tiết kiệm kinh phí thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng…

Giám đốc Sở GT-VT - Nguyễn Huy Dũng: Tăng cường ứng dụng KH-CN trong công tác quản lý

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu HTGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tăng cường ứng dụng KH-CN trong công tác quản lý. Hiện nay, Sở GT-VT chưa có hệ thống quản lý các dữ liệu về kết cấu HTGT trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để quản lý và bảo trì tốt hệ thống kết cấu HTGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần đầu tư xây dựng và trang bị phần mềm quản lý kết cấu HTGT trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kết nối dữ liệu bản đồ GIS và chia sẻ thông tin trong quản lý. Giải pháp này nhằm sớm phát hiện các hư hỏng, dấu hiệu xuống cấp hoặc dấu hiệu khai thác không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời, phòng ngừa sự cố công trình cầu, tiết kiệm chi phí bảo trì và kéo dài tuổi thọ công trình.

Cùng với đó, việc sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa, sửa chữa lớn), cải tạo nâng cấp (do các hư hỏng vượt mức sửa chữa định kỳ) các tuyến đường tỉnh, huyện quản lý cần nguồn vốn thực hiện lớn, trong điều kiện nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh còn hạn hẹp. Do đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện, đề xuất cấp thẩm quyền chấp thuận bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.