Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Gắn đào tạo nghề với nâng cao chỉ số PCI: Những nghịch lý kéo dài
Phải khẳng định rằng, một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững chính là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (ĐTN-GQVL). Vì vậy, trong những năm qua, Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các mặt công tác này. Và làm tốt công tác ĐTN-GQVL không chỉ thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, mà còn góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nông dân phải tự ra đồng cắt lúa sập theo kiểu “của đổ thì hốt” vì không thuê mướn được lao động địa phương.
ĐẦU TƯ DẠY NGHỀ TIỀN TỶ, LAO ĐỘNG VẪN THA PHƯƠNG?!
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác ĐTN-GQVL, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo ngành quản lý và các địa phương phải tập trung làm tốt và xem chất lượng, hiệu quả là tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, công tác ĐTN-GQVL vẫn chưa đạt được mục tiêu này, còn chạy theo kế hoạch, số lượng mà kết quả của nó là sự lãng phí tiền tỷ và tạo nên hàng loạt các nghịch lý cần có lời giải.
Qua thống kê cho thấy, việc đầu tư cho công tác ĐTN-GQVL thời gian qua là con số không nhỏ. Đơn cử trong 10 năm qua, chỉ tính 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 4 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ cho công tác đào tạo nghề cũng tiêu tốn ngân sách hơn 42 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập mua sắm trang thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí 67 tỷ đồng. Hay chỉ tính riêng việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề qua 10 năm cũng phải đầu tư gần 61 tỷ đồng. Riêng năm 2020 vừa qua, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Theo kế hoạch ĐTN-GQVL giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ huy động và đầu tư hơn 544 tỷ đồng cho công tác này. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả đạt được có tương ứng với số tiền đầu tư?
Quan tâm đến vấn đề này, vì nếu như những đồng vốn đầu tư trên được phát huy hiệu quả thì có tăng thêm vốn cũng là việc cần làm. Đằng này, theo số liệu của ngành Lao động về công tác ĐTN-GQVL hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhưng tổng kết số lao động phải xa quê tìm việc làm khiến nhiều người phải chạnh lòng và tự đặt ra câu hỏi: Con số hơn 20.000 lao động được giải quyết việc làm hàng năm có ý nghĩa gì? Và việc đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác ĐTN-GQVL hiệu quả đến đâu?
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2020 Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 20.930 lao động, đạt 116,3% kế hoạch. Thế nhưng, số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 4.410 lao động, còn lại hơn 16.500 lao động của địa phương phải xa xứ mưu sinh. Cũng qua số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH cho thấy, số lao động đi làm việc ngoài tỉnh hàng năm của Bạc Liêu chiếm trên 75%. Không chỉ thế, con số này còn vượt hơn 75%, vì qua thống kê số lao động phải xa quê đi lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2020 Bạc Liêu có tổng số hơn 23.800 lao động, nghĩa là cao hơn nhiều so với con số được giải quyết việc làm từ thống kê của Sở LĐ-TB&XH. Trên thực tế, vẫn còn nhiều lao động đi làm thuê nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Ông Trương Văn Thuận - Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), cho biết: “Số lao động đi làm việc ngoài tỉnh chỉ nắm được khi người lao động lên thị trấn xin giấy tạm trú, tạm vắng, còn không thì rất khó quản lý. Qua thống kê từ sổ đăng ký tạm trú, tạm vắng, thị trấn có gần 1.500 lao động phải đi các tỉnh ngoài làm việc kiếm sống và chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh”.
Thu hút và phát triển doanh nghiệp - một trong những giải pháp góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương (lao động tại Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu).
“CHẢY MÁU” NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG!
Thực tiễn đã chứng minh, lao động là tài nguyên và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia hay địa phương, nhưng Bạc Liêu lại có trên 75% lao động phải kiếm sống nơi đất khách quê người. Sự “chảy máu” về nguồn lực này, trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi đó, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI xác định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá cho Bạc Liêu giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo khi yếu tố con người là quan trọng và mang tính quyết định trong thực hiện “5 trụ cột” cho một Bạc Liêu bứt phá và tăng trưởng nhanh.
Hiện nay, khi vào mùa thu hoạch, hoạt động sản xuất ở hơn 80% diện tích lúa đều phải phụ thuộc vào lao động ngoài tỉnh đến làm thuê. Cũng như khi xảy ra thiên tai (lúa sập, lúa ngập), nông dân nhiều địa bàn phải đắng lòng mặc cho lúa chết, vì không có lao động ở địa phương để thuê cắt thủ công. Rồi nhiều nơi của Bạc Liêu cũng hình thành nên “xóm người già”, “xóm trẻ con”, do lao động trẻ đã thay nhau ra ngoài tỉnh làm thuê kiếm sống.
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng ở hiện tại mà trong tương lai, nạn “chảy máu” về nguồn lực còn tạo ra những hệ lụy và gây nên những gánh nặng cho an sinh xã hội. Thống kê từ 23.800 lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 năm qua cho thấy, chỉ có khoảng 10.230 lao động được các chủ doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, số còn lại với hơn 13.500 lao động bị xếp vào nhóm lao động tự do! Điều đó đồng nghĩa với việc họ không được pháp luật bảo vệ và hưởng các quyền hợp pháp dành cho người lao động như: tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn và thực hiện các giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Số lao động này khi mất sức lao động, hay bị bệnh nghề nghiệp hoặc tái nghèo thì lo cho họ không ai khác ngoài Nhà nước. Như trường hợp của gia đình ông Võ Văn Giàu (Phường 2, TP. Bạc Liêu) đi làm thuê cho một doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Đồng Nai, khi xảy ra tai nạn lao động, gia đình ông được chủ hỗ trợ cho vài triệu đồng, rồi đau khổ kéo nhau về quê. Rất may là nhờ vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của những người biết luật, gia đình ông Giàu đã nhờ luật sư can thiệp, nhưng luật sư yêu cầu cần phải trả 40% tổng số tiền khi được nhận bồi thường (vì ông Giàu qua giám định y khoa bị thương tật vĩnh viễn trên 50% và không còn khả năng lao động). Vì nghèo, lại ít học nên gia đình ông đành chấp nhận thỏa thuận với luật sư và với số tiền được nhận còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng cũng chỉ đủ chi phí chữa trị cho ông; còn về sau này, việc lo cho ông chắc không ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là góp phần nâng cao chỉ số PCI. Trong ảnh: Đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, việc thực hiện tốt công tác ĐTN-GQVL không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế, mà còn tham gia trực tiếp vào giải quyết các vấn đề an sinh bền vững trong tương lai. Cũng như ở năm 2021 này, việc thực hiện tốt công tác ĐTN-GQVL còn góp phần nâng cao chỉ số PCI khi chỉ số đào tạo lao động năm 2020 giảm 0,7 điểm và giảm 9 bậc trong bảng xếp hạng so với kết quả của năm 2019. Trong đó, có 6/10 chỉ tiêu giảm điểm so với năm 2019 gồm: Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh; Doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; Doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên số lao động chưa qua đào tạo; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lực lượng lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp.
Từ sự giảm điểm này cùng với những bất cập trong công tác ĐTN-GQVL, Bạc Liêu cần nghiêm túc phân tích, đánh giá và có ngay các giải pháp, nhất là rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác ĐTN-GQVL, nhằm tránh lãng phí tiền của Nhà nước, công sức người học và chủ động tránh căn bệnh thành tích từ các địa phương. Đó là việc luôn “tô hồng” con số ĐTN-GQVL năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng lao động cứ phải xa xứ mưu sinh, còn Chỉ số PCI thì mỗi năm lại đi xuống bảng xếp hạng?! Một vấn đề quan trọng khác phải tập trung làm thay đổi căn bản quy trình tổ chức ĐTN-GQVL hiện nay, nhất là khâu phân bổ vốn, tuyển sinh, giới thiệu việc làm và thực trạng “thích làm thầy hơn làm thợ” trong lao động. Đồng thời, chủ động xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho “5 trụ cột” trên tinh thần đa dạng hóa, hiện đại hóa thị trường lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao.
LƯ DŨNG
Ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Chú trọng đổi mới chương trình và cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nguồn nhân lực
Để nâng cao chỉ số PCI và cải thiện chỉ số đào tạo lao động trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
Đó là tích cực triển khai thực hiện các giải pháp để thúc đẩy nâng cao năng lực và quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên gắn với chú trọng đổi mới chương trình và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo để đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, sát với nhu cầu lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo để thu hút học sinh trung học, người lao động tham gia học nghề; chủ động tìm hiểu, trao đổi thông tin, ký kết hợp tác, liên kết toàn diện với doanh nghiệp trong các khâu đào tạo lao động. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm trao đổi, liên kết hoặc đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lao động và quan tâm sử dụng lao động qua đào tạo để nâng cao năng suất lao động. Qua đó, vừa giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng quy mô đào tạo, vừa giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp. Có cơ chế phối hợp giữa Sở Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Sở LĐ-TB&XH trong nắm, trao đổi, cung cấp thông tin và tổ chức đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt và có hiệu quả các giải pháp trên, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí (Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng để tăng năng lực đào tạo. Đồng thời, UBND tỉnh có cơ chế, kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo dưới 3 tháng cho lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh được quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bởi vì, đến thời điểm này kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo nghề chưa được bố trí.
Ngoài ra, kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm tạo cơ chế, tính pháp lý rõ ràng trong liên kết đào tạo lao động; quy định ngành nghề phải tuyển dụng lao động qua đào tạo, góp phần tăng năng suất lao động xã hội. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo phân luồng học sinh trung học vào học nghề theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, phát triển doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, bởi vì doanh nghiệp phát triển, kinh tế phát triển sẽ kéo theo thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm phát triển, nhu cầu việc làm tăng cao thì người lao động có nhiều cơ hội việc làm tại tỉnh…
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân
- Bộ CHQS tỉnh: Tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ năm 2025
- Thăm và chúc Tết các Sư đoàn, Lữ đoàn trên địa bàn Quân khu 9