Giải “bài toán” nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Hai, 26/09/2022 | 17:12

Bài cuối: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - cần lắm một tư duy mới

>>> Bài 1: Những “điểm nghẽn” chờ được khơi thông

>>> Bài 2: Loay hoay tìm người tài cho khu vực công

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bạc Liêu đã luôn chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực như một yêu cầu tất yếu, một đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới. Rất nhiều chủ trương, cơ chế chính sách dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) đã được tỉnh ban hành, trong đó mới nhất là Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là NQ 12). Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chiến lược NNLCLC, bên cạnh sự thay đổi cơ chế thì cần lắm việc đổi mới tư duy của các cấp ủy, chính quyền để người tài thật sự phát huy được sở trường, năng lực, cống hiến hết mình cho sự phát triển của đơn vị, địa phương.

Kỹ sư Công ty Cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu thi công lắp ráp tua-bin điện gió. Ảnh: H.T

Tầm nhìn dài hạn, bước đi thích hợp

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, NQ 12 xác định giải pháp trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhất là các lĩnh vực đang thiếu. Quan tâm tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyển, xét tuyển và đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm việc tổ chức thi tuyển chức danh phó giám đốc sở và tương đương, trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc sở, huyện để tìm chọn những nhân tố mới đủ năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn thuộc đối tượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; mạnh dạn thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm và uy tín thấp.

Bên cạnh đó, NQ 12 cũng tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút một số chuyên gia trên lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đường hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng sẽ vừa đào tạo cán bộ, nâng cao tay nghề lao động, nhất là trong dân trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản vừa thu hút nguồn nhân lực là các chuyên gia đầu ngành; đồng thời tổ chức nhiều cuộc xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các đề án, chương trình hợp tác cụ thể với các viện, trường, nhà khoa học và địa phương trong, ngoài nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật…

Đồng chí Tạ Trung Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Những giải pháp cũng như tinh thần của NQ 12 này chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nghĩa là phải có tâm và có tầm. Tâm và tầm thực chất chính là đạo đức và tài năng. Càng là cán bộ cấp cao thì càng đòi hỏi cao hơn về 2 yếu tố này”.

Điều kiện cần và đủ

Thực tế cho thấy, Bạc Liêu đã từng có không ít chủ trương, cơ chế đãi ngộ NNLCLC, thậm chí các chính sách cũng đã được tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng “chảy máu chất xám”, nhiều “người trong cuộc” cho biết rằng không chỉ cơ chế đãi ngộ về vật chất chưa đủ mà họ còn cảm thấy hụt hẫng về môi trường và cơ hội phát triển năng lực bản thân. Đơn cử như B.N - một cán bộ Thành ủy trẻ, có năng lực, đã được đào tạo bài bản, đã được quy hoạch, chuẩn bị được bổ nhiệm nhưng cũng đã quyết định ra đi vì nhận được sự mời gọi bên ngoài với mức lương gấp 3 lần hiện tại. B.N cho rằng điều kiện này sẽ giúp đỡ được gia đình chị nhiều hơn. Còn 1 bác sĩ chuyên khoa II ở Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu quyết định rời bỏ công việc ở đơn vị thì chia sẻ: Đến thời điểm này khi đã có chuyên môn vững, có phòng mạch tư uy tín thì vấn đề vật chất không còn quan trọng lắm. Tuy nhiên, quyết định ra đi của anh là muốn mình có cơ hội nâng cao chuyên môn ở một bệnh viện lớn, dễ dàng được chuyển giao và tiếp cận công nghệ hiện đại, được nhìn nhận năng lực công bằng…

Quả thực, để thu hút, phát triển NNLCLC thì mọi cơ chế, chính sách phải đảm bảo cả điều kiện cần (vật chất) và điều kiện đủ (môi trường, cơ hội phát triển). Để đảm bảo cả 2 điều kiện này, phải thật sự phá bỏ những rào cản tư duy về cách nhìn nhận và đánh giá cán bộ cũng như việc sử dụng NNLCLC. Không thể xem những cán bộ khoa học, những nhà chuyên môn có trình độ cao như những công chức, viên chức bình thường và phải qua các quy trình bắt buộc trong việc bổ nhiệm, sử dụng sau khi đã mời gọi về địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng để họ chứng minh và cống hiến trí tuệ. Khẳng định xây dựng thương hiệu nhà trường từ đội ngũ giảng viên chất lượng cao, hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu - Phan Văn Đàn cho biết: Sắp tới trường sẽ mời gọi 1 Phó Giáo sư và 3 Tiến sĩ về trường công tác. Đồng thời, để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, trường đã cho ra mắt tạp chí khoa học nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên lẫn sinh viên trong trường!

Để xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo cơ hội phát triển công bằng đúng với năng lực cá nhân, trong các cuộc họp gần đây của tỉnh về công tác cán bộ, về thực hiện NQ 12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, địa phương cần chú trọng việc hoàn thiện cơ chế đánh giá đối với người có tài năng, mạnh dạn sa thải những đối tượng không đáp ứng nhu cầu công việc cần thu hút; có biện pháp đãi ngộ phù hợp với những đối tượng có năng lực và thành tích tốt, đồng thời có biện pháp xử lý đối với những đối tượng không đáp ứng yêu cầu, như: Chuyển đổi sang các vị trí có yêu cầu thấp hơn (và thu nhập thấp hơn); thậm chí có thể đưa ra khỏi quy hoạch đối với các trường hợp không có sự tiến bộ thông qua việc đánh giá sâu sát cán bộ hàng năm.

Thu hút nhân tài và sử dụng nhân tài không phải là chuyện mới nhưng vẫn mãi là câu chuyện chưa hồi kết. Những tư duy mới về nguồn lực quan trọng này gắn với tình hình thực tiễn sẽ là chìa khóa để giải bài toán khó này một cách hiệu quả nhất!

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: “Để tạo môi trường thuận lợi, phát huy hiệu quả nhân lực thì trước hết các cấp ủy, địa phương phải có định hướng dài hơi cho công tác đào tạo, quy hoạch, đặc biệt là thu hút NNLCLC. Trong đó, người đứng đầu cần mạnh dạn giao những việc khó, mới cho cán bộ có năng lực, đặc biệt là cán bộ trẻ, khỏe, nhiệt huyết vừa tạo điều kiện rèn luyện vừa phát huy được sức sáng tạo, sự cống hiến; chú trọng đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo 5 trụ cột đã xác định”.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.