Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021: Khẩn trương và quyết liệt

Thứ Hai, 26/07/2021 | 14:51

Trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 thì việc đẩy nhanh các dự án sử dụng vốn đầu tư công (VĐTC) để bù đắp vào những thiếu hụt từ khu vực kinh tế tư nhân là rất cần thiết. Việc làm này không chỉ là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại - dịch vụ phát triển và cả giải quyết tốt bài toán an sinh về việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thi công mở rộng tuyến Ninh Hòa - Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) từ vốn đầu tư công.

GIẢI NGÂN ĐẠT THẤP

Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, giải pháp để đẩy nhanh giải ngân VĐTC. Đồng thời, thành lập Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân VĐTC. Theo đó, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế tại các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm của tỉnh để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn trên tinh thần khẩn trương và quyết liệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở KH-ĐT, kết quả giải ngân VĐTC trong 6 tháng đầu năm nay chỉ được 794.534/3.330.348 triệu đồng, đạt tỷ lệ 23,8%. Trong đó, có những địa phương giải ngân khá thấp như: huyện Đông Hải 46,1%, huyện Phước Long 46,7%, huyện Hòa Bình 35% và TP. Bạc Liêu mới đạt 17,3%. Đặc biệt là các dự án giao huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư do tỉnh quyết định thì tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp - chỉ 11,3%.

Đối với 3 Ban quản lý dự án (QLDA) của tỉnh gồm: Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp giải ngân được 114.721/333.460 triệu đồng, đạt 34,4%; Ban QLDA giao thông giải ngân được 45.225/265.560 triệu đồng, đạt hơn 17%; Ban QLDA nông nghiệp giải ngân được 103.568/607.358 triệu đồng, đạt 17,1%. Riêng kế hoạch vốn năm 2020 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 là 757.891 triệu đồng nhưng cũng chỉ giải ngân được 12,5%.

Từ con số cụ thể trên cho thấy, tỷ lệ giải ngân VĐTC trong 6 tháng đầu năm nay đạt thấp và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chỉ đạo giải ngân VĐTC năm 2021 phải đạt từ 95 - 100% và phấn đấu đến hết quý 3/2021 phải giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bạc Liêu phải thực hiện giãn cách xã hội và nhiều công trình, dự án phải tạm dừng thi công.

Xây dựng công trình nâng cấp hạ tầng đô thị từ vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Có thể nói, ngoài nguyên nhân nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn khá lớn với hơn 514.950 triệu đồng (điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ giải ngân chung) thì cũng còn nhiều nguyên nhân khác làm cho tiến độ giải ngân VĐTC đạt thấp.

Về nguyên nhân khách quan, là do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 triển khai khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt, nhiều dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021. Một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, khởi công mới dự án, mặc dù đến thời điểm hiện nay đã hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng vẫn không đủ điều kiện bố trí vốn do hoàn thiện thủ tục sau ngày 31/12/2020.

Qua tổng hợp, Sở KH-ĐT điển hình một số dự án được giao nhiều vốn nhưng giải ngân còn chậm (47 dự án được phân bổ 1.831.367 triệu đồng, giải ngân 175.311 triệu đồng, đạt 9,5%) và chia thành 6 nhóm. Thứ nhất là các dự án, gói thầu đang trong quá trình triển khai thiết kế - lập dự toán (có 7 dự án có vốn bố trí lớn trong năm 2021), phân bổ 356.000 triệu đồng, giải ngân 5.757 triệu đồng, đạt 1,6%. Thứ hai là các dự án, gói thầu đang trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu (có 5 dự án), phân bổ 54.800 triệu đồng, giải ngân 3.504 triệu đồng, đạt 6,4%. Thứ ba là các dự án vướng giải phóng mặt bằng (có 11 dự án), phân bổ 379.193 triệu đồng, giải ngân 53.150 triệu đồng, đạt hơn 14%. Thứ tư là các đơn vị thi công chậm (có 4 dự án), phân bổ 182.261 triệu đồng, giải ngân 32.090 triệu đồng, đạt 17,6%. Thứ năm là các dự án, gói thầu đang triển khai chưa có khối lượng và đang làm thủ tục thanh toán (có 13 dự án), phân bổ 283.701 triệu đồng, giải ngân 58.512 triệu đồng, đạt 20,6%. Thứ sáu là các dự án còn vướng thủ tục đầu tư (có 7 dự án), phân bổ 575.412 triệu đồng, giải ngân 22.297 triệu đồng, đạt 3,8%.

Đặc biệt là dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bạc Liêu, đa phần sử dụng nguồn vốn nước ngoài (tổng số 420.874 triệu đồng, đến nay giải ngân 19.765 triệu đồng) đang làm thủ tục giảm quy mô đầu tư của một số hạng mục, để giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Do đó, khả năng rất cao giải ngân không hết vốn được giao và cần phải trình Trung ương điều chỉnh giảm nguồn ODA.

Thi công công trình thủy lợi phục vụ cho Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ven biển Bạc Liêu từ vốn đầu tư công. Ảnh: L.D

Ngoài những nguyên nhân trên, thì việc tăng giá vật tư, vật liệu như: thép, cát, đá, xi-măng… cũng làm cho nhiều dự án bị chậm tiến độ. Đó là việc có nhiều nhà thầu không triển khai thi công, hoặc thi công cầm chừng, nhằm trông chờ giá cả thị trường hạ xuống hay có chính sách mới. Thêm vào đó, các gói thầu chuẩn bị tổ chức đấu thầu phải dừng lại chờ điều chỉnh giá cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giải ngân.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc huy động nhân công gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công một số công trình, dự án. Việc mời họp xử lý các nhà thầu vi phạm (đa số là các doanh nghiệp ngoài tỉnh) cũng gặp rất nhiều khó khăn, do thành phần tham dự không đủ thẩm quyền quyết định, mất nhiều thời gian xử lý. Cộng thêm năng lực tài chính của một số đơn vị thi công thời gian gần đây không đảm bảo, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công, đặc biệt là các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh…

Ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, cũng phải thừa nhận rằng có những nhà thầu đã không thực hiện đúng hợp đồng và cam kết về tiến độ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban QLDA nông nghiệp đã mạnh dạn phạt các nhà thầu chậm tiến độ hơn 1,2 tỷ đồng; đồng thời buộc các nhà thầu phải cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để trì hoãn hay cố tình thi công theo tiến độ rùa để chờ hỗ trợ điều chỉnh giá…

Với thực trạng như hiện nay, các ngành, Ban quản lý các dự án, chủ đầu tư và các địa phương cần tập trung giải quyết ngay những khó khăn trên tinh thần khẩn trương thay vì xin điều chỉnh vốn sang các dự án khác. Bởi có những dự án nếu không giải ngân vốn được phải trả vốn về Trung ương, đồng nghĩa với việc Bạc Liêu tự đánh mất cơ hội, nhất là các dự án đầu tư về hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, kinh tế biển. Do vậy, Ban quản lý các dự án và địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác phối - kết hợp và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng.

Về lâu dài, Bạc Liêu cũng cần tính toán và ban hành một “bộ giải pháp” mang tính căn cơ hơn trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên tinh thần chủ động cắt giảm các thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng một quy trình khoa học từ khâu lập dự án đến triển khai thi công, nhất là phát huy cho được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tham mưu trên tinh thần cái gì có lợi cho tỉnh, có lợi cho dân thì làm, không sợ trách nhiệm hay cố tình đùn đẩy trách nhiệm cho nhau! Vì tới đây, Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án động lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, chọn đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá của tỉnh. Xuất phát từ đột phá này, Bạc Liêu phải chủ động sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là VĐTC từ Trung ương, kiên quyết nói không với nạn “có vốn xài không hết”?! Thậm chí, phát triển Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân VĐTC (theo Quyết định 864/QĐ-UBND) thành Ban chỉ đạo xây dựng cơ bản nhằm giải quyết có hiệu quả các vướng mắc, bất cập trong quản lý công tác xây dựng cơ bản hiện nay.

LƯ TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Xử lý nghiêm các nhà thầu thi công chậm tiến độ và không cho tham gia đấu thầu vào các dự án đầu tư

So với cùng kỳ năm, giải ngân VĐTC chậm mà nguyên nhân có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đó là công tác GPMB còn chưa quyết liệt và chưa phân tích, dự báo tốt tình hình. Các ngành, địa phương phải rút kinh nghiệm từ bài học này và khi lập dự án là phát huy ngay vai trò của các tổ chức đoàn thể, thay vì khi vướng công tác GPMB mới chỉ đạo các tổ chức này vào làm công tác vận động, tuyên truyền.

Giải ngân VĐTC chậm còn có trách nhiệm của các nhà thầu, vì trong 5 tháng đầu năm nay có nhà thầu không đẩy nhanh tiến độ thi công thì các tháng cuối năm rơi vào mùa mưa làm sao thi công? Do vậy, đề nghị các chủ đầu tư xử lý nghiêm các nhà thầu thi công chậm tiến độ và không cho các nhà thầu này tham gia đấu thầu vào các dự án đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm về giải ngân VĐCT. Đối với các ngành, trong công tác lập dự án, thẩm định, xử lý các hồ sơ, thủ tục phải nhanh, hiệu quả và phải quán triệt tinh thần “đúng pháp luật và cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm”, kiên quyết nói không với tiêu cực hay đùn đẩy trách nhiệm, tất cả phải chung sức vì sự phát triển của tỉnh và lợi ích của Nhân dân là trên hết.

Giám đốc Sở KH-ĐT - Huỳnh Chí Nguyện: Phải nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 63 của Chính phủ về giải ngân VĐCT năm 2021 thì việc giải ngân đến hết quý 3/2021 phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch. Đây là nhiệm vụ tương đối khó khăn, do các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn nước ngoài tiến độ triển khai chưa kịp thời.

Để đạt nhiệm vụ được giao nêu trên, các chủ đầu tư và các sở, ngành có liên quan cần phải nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa, sự đồng lòng chung sức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đối với chủ đầu tư phải báo cáo cụ thể nguyên nhân giải ngân chậm từng dự án để Tổ công tác của UBND tỉnh xem xét giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Báo cáo khó khăn trong GPMB để Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết triệt để. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận chuyên môn, các đơn vị tư vấn cần quan tâm và tập trung nhiều hơn nữa trong việc huy động tối đa nhân lực và thiết bị để việc đẩy nhanh tiến độ lập thiết kế - dự toán, đảm bảo chất lượng trình các sở chuyên ngành thẩm định để đủ điều kiện và kịp thời tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.

Bên cạnh đó, tích cực đôn đốc nhà thầu đang thi công chưa đạt theo kế hoạch đẩy nhanh tiến độ. Các chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các đơn vị thi công vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng.

Đối với các sở, ngành cần ưu tiên xử lý các hồ sơ liên quan đến công tác GPMB, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán (như: Dự án xây dựng Trường THCS Trần Phú, xã Long Điền, huyện Đông Hải; Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu; Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở - dự án thành phần tỉnh Bạc Liêu; Dự án đầu tư xây dựng Kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông trên địa bàn TX. Giá Rai; Dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền, huyện Đông Hải và 3 dự án ô đê bao của các huyện...), kế hoạch đấu thầu để đủ điều kiện tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Nghiên cứu nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, tiến hành nhiều khâu đồng thời cùng lúc, nhưng đảm bảo đúng quy định, nhất là công tác GPMB mất rất nhiều thời gian xử lý.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố,  ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải ngân các nguồn vốn do huyện quyết định đầu tư và quản lý chi, cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án do tỉnh quyết định đầu tư và quản lý chi. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là trong việc phối hợp xử lý đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi công tác GPMB, nhằm đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng tiến độ được duyệt.

Hiện nay, Sở KH-ĐT đã nhận được một số đề xuất của chủ đầu tư liên quan đến việc điều chỉnh bổ sung nguồn vốn. Sở đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục rà soát nhu cầu bổ sung để tiếp tục thanh toán, đẩy nhanh tiến độ và điều chỉnh giảm đối với các dự án giải ngân chậm gửi về Sở KH-ĐT tổng hợp, trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.