Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Giải ngân vốn đầu tư công: Tập trung tháo gỡ “3 điểm nghẽn”
Một trong những công tác được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt trong năm qua chính là giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Song, đến cuối năm 2024 vẫn chưa đạt như kỳ vọng đề ra (95%) và đây thật sự là vấn đề cần được quan tâm cho năm 2025 khi giải ngân VĐTC đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhất là hoàn thiện về hạ tầng trong điều kiện Bạc Liêu luôn cần vốn đầu tư cho phát triển.
Thi công tuyến đường huyện Phước Long đến Ba Đình.
TÍCH CỰC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO
Qua tổng kết công tác giải ngân VĐTC cho thấy, Bạc Liêu cần tổ chức một hội nghị chuyên đề nhằm phân tích sâu nguyên nhân của giải ngân VĐTC nhiều năm liền không đạt kế hoạch đề ra. Bởi công tác này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xuyên suốt gắn với ban hành nhiều giải pháp gỡ khó cho từng công trình, dự án. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi kiểm tra thực tế tiến độ các dự án có vướng mắc, khó khăn và đã chỉ đạo trực tiếp chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan, các địa phương nơi thực hiện dự án một số việc cần làm ngay, sớm hoàn thành phần việc theo thời gian đã ấn định… Đặc biệt, Tổ công tác 1188 đã tổ chức các cuộc họp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư, từ đó góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân chung của cả tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp và các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện, có lên kế hoạch thực hiện từng dự án và cam kết giải ngân vốn. Trên tinh thần đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã ban hành văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Đến nay, công tác GPMB có chuyển biến tích cực, các dự án vướng mặt bằng nhiều năm nay đang gặp thuận lợi; các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án liên kết vùng cơ bản được người dân đồng thuận, thống nhất cao, góp phần rất lớn trong công tác giải ngân kế hoạch năm 2024.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành Quyết định 59/2024/QĐ-UBND về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định 67/2024/QĐ-UBND quy định mức chi bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Các văn bản chỉ đạo này đã tạo sự đồng thuận cho người dân bị ảnh hưởng bởi công tác GPMB và tháo gỡ cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng đã nâng cao vai trò trách nhiệm trong quản lý dự án. Các sở chuyên ngành cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm và quan tâm chỉ đạo, rút ngắn thời gian thẩm định, hướng dẫn nhiệt tình các chủ đầu tư trong quá trình xử lý hồ sơ…
Từ công tác trên cho thấy, Bạc Liêu rất tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân VĐTC, nhưng kết quả mang lại vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo Sở KH-ĐT, tính đến cuối năm 2024 giải ngân được 2.470.399/3.655.092 triệu đồng, đạt 67,59% so với kế hoạch.
Xây dựng hệ thống cống thủy lợi ven biển Bạc Liêu.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Qua báo cáo và phân tích thực trạng giải ngân VĐTC trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 3 “điểm nghẽn”cơ bản được xác định là những nguyên nhân chính gây khó cho giải ngân VĐTC, gồm: thủ tục hành chính, năng lực nhà thầu và vướng GPMB. Cụ thể là quy trình thủ tục trong đầu tư chưa có sự thống nhất về cách hiểu giữa các cơ quan hướng dẫn thi hành luật và gây khó trong triển khai thực hiện. Như quy định tại Điều 91 Luật Đầu tư công năm 2019 sẽ làm kéo dài quy trình thủ tục đầu tư đối với các dự án trong quá trình triển khai thực hiện nếu có sai khác so với chủ trương đầu tư, nhất là đối với các dự án kéo dài thời gian thực hiện hoặc dự án có phát sinh khối lượng so với chủ trương đầu tư nhưng không làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, Luật Đầu tư công năm 2024 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, về cơ bản đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện thời gian qua và hy vọng sẽ giải quyết được các bất cập lâu nay.
Các Ban Quản lý xây dựng cơ bản phản ánh những khó khăn trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: K.T
Bên cạnh đó, chính sách bồi thường GPMB hiện nay thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024, nên đối với các dự án đã được kiểm kê, đo vẽ theo Luật Đất đai năm 2013 nhưng phương án chưa được phê duyệt thì phải làm lại theo quy định hiện hành của Luật Đất đai năm 2024, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân VĐTC. Đồng thời, theo Luật Đất đai năm 2024, về chính sách bồi thường GPMB, đã giao cho địa phương xây dựng trong lúc chưa có văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Điển hình như việc thu hồi loại đất này mà bồi thường bằng loại đất khác, hoặc định mức đơn giá để thuê tư vấn lập… trong khi địa phương chưa đảm bảo nguồn lực để xây dựng nhiều nội dung. Cùng với đó, công tác GPMB diễn ra còn chậm dẫn đến một số đơn vị thi công còn chủ quan, chưa thật sự quan tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cũng như khả năng huy động nhân lực, vật lực chưa đáp ứng theo thực tế nên đã kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể như Dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông và hệ thống cống qua đê; Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đến Ba Đình; Dự án tuyến đường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đường ĐT980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền; Dự án nâng cấp tuyến đường Ninh Qưới - Ngan Dừa…
Đối với các dự án được ghi vốn khởi công trong năm 2024, nhưng đến nay chỉ mới ở bước tổ chức lựa chọn nhà thầu nên ảnh hưởng đến công tác giải ngân như: Dự án xây dựng Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm; Dự án nâng cấp tuyến đường Trần Phú (hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu). Trong khi đó, một số dự án đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng lại có kiến nghị trong đấu thầu… Cụ thể trong tháng 12/2024, Sở KH-ĐT đã nhận được 2 đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu là Dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Võ Thị Sáu và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Trèm Trẹm - Xẻo Quao. Dự kiến, Sở KH-ĐT sẽ thành lập Hội đồng tư vấn để giải quyết kiến nghị của nhà thầu trong thời gian sớm nhất, theo đúng quy định pháp luật.
Mặt khác, một số dự án đã kết thúc đầu tư không có nhu cầu giải ngân như: Dự án đầu tư xây dựng 20 trạm y tế tuyến huyện (thừa khoảng 9 tỷ đồng); Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - TP. Bạc Liêu (thừa khoảng 13 tỷ đồng). Và một số dự án khác cũng vướng thủ tục đầu tư như: Dự án kè chống ngập Quốc lộ 1A (đang trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư); Dự án tuyến tránh chợ Vĩnh Hưng (đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư), Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long - huyện Phước Long đến Ba Đình và Dự án tuyến đường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long đường ĐT980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền (đang trình xin điều chỉnh cấp đường từ A1 sang A2)…
Đặc biệt, các dự án mua sắm trang thiết bị, nhất là trong lĩnh vực y tế tiếp tục gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực thẩm định giá và hồ sơ mời thầu, thiếu nhân sự quản lý dự án dẫn đến không triển khai được trong thời gian qua, buộc phải điều chuyền vốn cho các dự án có nhu cầu bức xúc hơn. Hiện tại, quy định pháp luật đối với các dự án không có cấu phần, xây dựng chưa rõ ràng, nhất là đối với các chi phí tư vấn chưa có định mức áp dụng (trừ dự án áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin) nên các chủ đầu tư còn chậm trễ trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, đối với công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thiện công tác lập dự án đầu tư như: Dự án xây dựng Trung tâm Hành chính TP. Bạc Liêu; Dự án đường vành đai trong - TP. Bạc Liêu (đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư); Dự án xây dựng và triển khai hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh. Đáng nói là các dự án này đã dự kiến ghi vốn khởi công mới từ năm 2023 nhưng đến nay vẫn còn trong khâu chuẩn bị đầu tư…
KIM TRUNG
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Kiên quyết xử lý các nhà thầu năng lực không đáp ứng yêu cầu và thực hiện không đảm bảo tiến độ theo cam kết
Năm 2025 là năm cuối để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, năm 2025 này đề nghị các ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò của các ngành, các cấp, các chủ đầu tư trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng. Người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan phải đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực, kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại, bất cập.
Hai là, nâng cao chất lượng lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các dự án dở dang, dự án chuyển tiếp quan trọng để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Đối với các dự án mới, chỉ khởi công các dự án thật sự cấp thiết, bảo đảm cân đối được nguồn vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 sắp tới của tỉnh phải đảm bảo theo nguyên tắc, tiêu chí quy định, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải. Khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì phải đề xuất UBND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo ngay để Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh quyết định theo đúng quy định pháp luật.
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành xây dựng, nâng cao chất lượng công tác giám sát đánh giá đầu tư, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, nhất là các dự án khởi công mới, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư; chú trọng công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm chất lượng công trình và quy mô đầu tư hợp lý. Tăng cường quản lý chất lượng đầu vào; tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành trong quá trình thi công xây dựng công trình. Kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng theo đúng quy định pháp luật.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiến độ thực hiện dự án. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Chủ động giải quyết các vướng mắc, tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch xây dựng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ; kịp thời báo cáo các vướng mắc vượt thẩm quyền. Kiên quyết không có tình trạng công trình đã được bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư triển khai chậm hoặc để tái chiếm, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng đối với các nhà thầu năng lực không đáp ứng yêu cầu, thực hiện không đảm bảo tiến độ theo cam kết…
- UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Ban hành Quyết định đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
- Chi gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội - Nhân lên niềm vui đón Tết
- Gian quần áo 0 đồng - giúp người nghèo ấm lòng dịp Tết
- Giá lúa giảm, nông dân kém vui