Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Gieo trồng hạt thi đua để gặt hái mùa khen thưởng
“Thi đua (TĐ) là gieo trồng, khen thưởng (KT) là gặt hái”. KT là kết quả của quá trình TĐ, là ghi nhận và đánh giá của cấp có thẩm quyền đối với nỗ lực không mệt mỏi của tập thể, cá nhân. Mối quan hệ TĐ - KT là mối quan hệ nhân - quả, được ví như hai công đoạn “gieo trồng” và “gặt hái” của nghề nông.
Để có kết quả KT phải xuất phát từ hoạt động TĐ. Không chú trọng gieo hạt TĐ sẽ khó lòng gặt hái thành quả KT thực chất. Dân gian có câu: “Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu”.
Khen thưởng kịp thời luôn là động lực thúc đẩy thi đua. Ảnh: K.P
Nhìn ánh mắt hạnh phúc của những người được đón nhận danh hiệu TĐ, vinh danh trong những lần trao thưởng, dễ cảm nhận và cộng hưởng giá trị tinh thần kết tinh từ nỗ lực lao động, học tập, rèn luyện… Giá trị ấy vừa tiếp tục tạo động lực phấn đấu cho những tập thể, cá nhân ấy, vừa tạo hiệu ứng lan tỏa tạo động lực TĐ, phấn đấu cho cả những tập thể, cá nhân chưa được vinh danh.
Đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể tổ chức tốt việc phát động TĐ với những tiêu chí cụ thể, phù hợp; tổ chức bình xét đề nghị KT một cách khoa học, công bằng, tạo không khí TĐ cởi mở, dân chủ và thực chất; tạo nên những nhân tố điển hình có tác dụng nêu gương, lan tỏa động lực tự thân cống hiến, khuyến khích tự thân vận động của mỗi cá nhân gắn với mối cố kết tập thể; khích lệ nỗ lực vượt lên chính mình… Đó là hệ quả tốt đẹp mà TĐ-KT mang lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt thì TĐ cũng còn lắm chuyện đáng bàn. Để phát động TĐ, cần “mềm hóa” những nội dung, tiêu chí TĐ thiết thực, cụ thể, phù hợp tính chất cơ quan, đơn vị, địa phương; ít mang yếu tố định tính, có nhiều yếu tố định lượng để những người trong phạm vi điều chỉnh của việc thực hiện nội dung TĐ ấy dễ “căn” vào đó mà thực hiện và bình xét. Cần cả những nội dung mang tính động viên, khích lệ và tạo động lực… sao cho nội dung phát động TĐ được mọi người tự nguyện tiếp nhận và thật sự trở thành hành động tự giác thực hiện của mọi người. Sự “áp đặt”, “công thức”, tính hình thức của “công đoạn” này là điều tối kỵ.
Trong bình xét, nên chăng cần đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; kết hợp động viên tinh thần và khuyến khích vật chất. Tập thể được khen, người được khen phải là nhân tố điển hình, nhân tố nêu gương, thật sự mang tính thuyết phục để tạo nên giá trị của hình thức KT. Khen đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng tích cực. Đâu đó đang tồn tại sự thiếu công bằng, “bình quân chủ nghĩa” trong xét KT.
Xin đừng để áp lực phải đạt thành tích tạo nên “căn bệnh thành tích”. Có cán bộ về hưu đã nói thế này: “Quy định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nhân viên để đánh giá tập thể; lấy kết quả TĐ của tập thể để đánh giá cán bộ quản lý là con dao hai lưỡi”, bởi nó rất dễ tạo “hiệu ứng ngược”.
KT càng không thể qua loa cho xong chuyện. KT phải làm sao thể hiện sự tôn vinh, tưởng thưởng sau một chu trình “gieo trồng, gặt hái” thật sự có ý nghĩa. TĐ và KT không nên chỉ là làm cho có nhiều tập thể, cá nhân chất đầy huy chương, bằng khen, giấy khen, danh hiệu… Mà cốt yếu là phải hướng đến việc thông qua phong trào TĐ cụ thể, KT cụ thể tạo nên sức sống và môi trường làm việc thân thiện, làm động lực cho từng cá nhân, từng tập thể. Gieo hạt TĐ phải làm sao để có những mùa vụ gặt hái thành quả KT vừa đúng luật, vừa đậm tính nhân văn, khơi dậy sức sáng tạo và động lực tinh thần để mọi người phát huy yếu tố tự thân, tự hoàn thiện. Mỗi việc làm, dù nhỏ, đều tạo nên cho tập thể, cộng đồng, xã hội sản phẩm hoàn chỉnh nhất có thể. Đó mới là điều quan trọng nhất.
Nguyễn Huy Thái