Hiệu quả tích cực từ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020

Thứ Hai, 22/06/2020 | 17:24

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án), tỉnh Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Đào tạo các lớp may công nghiệp cung ứng cho các doanh nghiệp may trong tỉnh.

Kết quả qua 10 năm thực hiện Đề án

Tuy là tỉnh có gần 80% dân số hoạt động kinh tế lao động nông nghiệp, thế nhưng việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh chỉ đạt 35%; trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề của LĐNT chưa đủ điều kiện để tham gia lao động sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, mạng lưới dạy nghề của tỉnh phát triển chưa mạnh, cơ sở vật chất dạy nghề còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề cũng như yêu cầu của thị trường… Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lao động và nhu cầu tạo việc làm cho LĐNT, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả phấn khởi.

Mục tiêu của Đề án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2010 - 2015), tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 52.000 LĐNT, trong đó có 15.600 người học nghề phi nông nghiệp, 36.400 người học nghề nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%. Giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2020), dạy nghề cho 60.000 LĐNT, trong đó có 18.000 người học nghề phi nông nghiệp, 42.000 người học nghề nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.

Thông qua việc thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 - 2015, số LĐNT có việc làm sau đào tạo là 49.153 lao động; số LĐNT được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất sau khi học nghề là 4.087 lao động; số LĐNT thuộc hộ nghèo, sau khi học nghề có việc làm thoát nghèo là 2.208 người; số LĐNT sau khi học nghề, có việc làm đã trở thành hộ có thu nhập khá trở lên là 1.746 người. Giai đoạn 2016 - 2019: Số LĐNT có việc làm sau đào tạo là 66.644 lao động; số LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sau khi học nghề có việc làm thoát nghèo là 1.188 người; số LĐNT sau khi học nghề, có việc làm đã trở thành hộ có thu nhập khá trở lên là 3.397 người.  

Qua 10 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng LĐNT trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, đã có hàng chục ngàn lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động… Chất lượng LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và góp phần quan trọng thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nhiều lao động nông thôn ở huyện Phước Long được hỗ trợ về kỹ thuật, con giống và thực hiện hiệu quả các mô hình chăn nuôi. Ảnh: T.Q

Nâng cao chất lượng lao động sau đào tạo

Hiện toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập. Các trung tâm cũng có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT như: chủ động phối hợp với địa phương, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, các hợp tác xã để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề. 

Bên cạnh đó, các loại hình đào tạo nghề cũng đa dạng, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ, cung ứng lao động cho khu công nghiệp, các làng nghề và đào tạo nghề tham gia xuất khẩu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các địa phương còn khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như: truyền nghề, đào tạo lại…, qua đó giúp NLĐ có việc làm ổn định tại địa phương và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới.

Qua 10 năm thực hiện cho thấy, Đề án đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là các mô hình dạy nghề tuy mới hình thành nhưng đạt tính hiệu quả cao, có thể điểm qua một số mô hình như: Kỹ thuật nhân giống lúa; Kỹ thuật nuôi cua biển; Kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, vịt, heo; Kỹ thuật trồng rau an toàn; Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; Đan đát; May công nghiệp cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất... Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho các tổ viên, góp phần tăng thu nhập cho LĐNT và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Một trong những kết quả nổi bật qua việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề LĐNT chính là nhận thức của NLĐ có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn khi bản thân NLĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp. Người nông dân có tay nghề hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, góp sức thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Từ những kết quả đạt được, có thể thấy, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 không chỉ tạo nền tảng để tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, chất lượng, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà qua đó còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của NLĐ với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Trần Thúy Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.