Hồ Chí Minh nói về Hiến pháp và dân chủ

Thứ Sáu, 25/12/2015 | 15:56
LTS: Ngày 6/1/1946 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Quốc hội nước ta đã trải qua 70 năm phát triển mạnh mẽ, gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà. Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên, Báo Bạc Liêu xin giới thiệu những bài viết, tư liệu lịch sử về sự kiện quan trọng này.

Bác Hồ thực hiện quyền bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (ảnh tư liệu). 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại biểu các nước tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Versailles (Pháp), nhân danh nhóm người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, trong đó nội dung điểm 7 và điểm 8 như sau: “Thay đổi chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ đề ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ”.

Năm 1926, trong bản yêu sách gửi Hội Vạn quốc, một lần nữa Hồ Chí Minh lại đề cập đến vấn đề quyền tự quyết của nhân dân. Trong bản yêu cầu này, Hồ Chí Minh và những người yêu nước khác đã viết: “Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi: Xếp đặt một nền hiến pháp theo những lý tưởng dân quyền”.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (3/9/1945), Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Ngày 20/9/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 vị do Người làm Trưởng ban. Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp mới đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ các quyền tự do dân chủ của nhân dân dưới một chính thể dân chủ rộng rãi. Hiến pháp năm 1946 tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản của Nhà nước dân chủ. Đó là đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; Bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Với những nguyên tắc trên đây, Hiến pháp năm 1946 đã đảm bảo về mặt pháp lý tất cả quyền bính trong nước là toàn thể nhân dân và Hiến pháp là cơ sở pháp lý để tiến hành công việc của đất nước.

Về vấn đề cơ bản của Hiến pháp, Người khẳng định: “…Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền, chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp…”.

Hồ Chí Minh khẳng định bản chất dân chủ của chế độ ta. Trong một chế độ dân chủ, Nhà nước dân chủ, người dân được đặt ở vị trí cao nhất - dân là chủ, dân làm chủ, còn các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước chỉ là đầy tớ, là “công bộc” của nhân dân.

Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân còn được thể hiện ở chỗ Hồ Chí Minh kiên quyết khước từ mọi hình thức ưu đãi mang  màu sắc quân chủ trong việc kiến tạo ra một lãnh tụ quốc gia. Tháng 12/1945, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các UBND và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã trả lời: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không vượt qua khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”.

T.L (Trích tư liệu 70 năm Quốc hội Việt Nam”)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.