Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu: Đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh
Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Bạc Liêu đã thể hiện tốt vai trò trung tâm đoàn kết, vận động đồng bào Khmer tích cực lao động sản xuất, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2018 - 2023.
Thi đua yêu nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Thông qua công tác tuyên truyền, bà con Khmer tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19”… Tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào là các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức đã tạo sự lan tỏa cho bà con phật tử noi theo. Qua đó một số người dân, phật tử đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường, làm cầu, mở lộ..., góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng quê, con em được học hành, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ nét về cả vật chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng đã được Hội ĐKSSYN tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua hoạt động phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, địa phương thành lập 50 tổ tự quản dòng tộc, có 7.250 thành viên là bà con Khmer. Các tổ tự quản hầu hết được đặt ở các điểm chùa như: chùa Đìa Muồng (huyện Phước Long); chùa Hộ Phòng mới (TX. Giá Rai); chùa Kim Cấu, chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu)…
Thượng tọa Tăng Sa Vong - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Cái Giá chót (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bàn giao nhà tình thương cho hộ Khmer nghèo.
Theo Hòa thượng Hữu Hinh - Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh, đối với Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chùa vừa là nơi thờ phụng thiêng liêng, vừa là nơi bảo tồn và lưu giữ các di sản văn hóa với nhiều kỹ thuật kiến trúc là nét độc đáo riêng biệt, là điểm sinh hoạt, giao lưu của cộng đồng dân tộc. Chính vì vậy, thời gian qua với sự quan tâm của chính quyền các cấp trong tỉnh, hầu hết các ngôi chùa trong tỉnh đều được trùng tu, sửa chữa, chỉnh trang, thậm chí xây mới không ít các công trình trong khuôn viên chùa như: chánh điện, cổng tam quan, điện thờ. Đặc biệt là UBND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc của Hội ĐKSSYN tỉnh (trong khuôn viên chùa Phường 7), đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2022, với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer như lễ Dâng y, lễ Kiết giới Sima, lễ Cầu an, Sen Đôn-ta, tết Chôl-chnăm-thmây… luôn được duy trì và thực hiện theo đúng phong tục tập quán. Đặc biệt là lễ hội Oóc-om-bóc - đua Ghe Ngo là một trong những lễ hội được Bộ VH-TT&DL cho phép nâng tầm tổ chức khu vực, trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Hằng năm, các đội ghe Ngo của các chùa: Đìa Muồng, Đìa Chuối, Kos Thum, Ngan Dừa, Đầu Sấu… đều tích cực mọi công tác chuẩn bị để tham gia lễ hội truyền thống này.
Các vị sư ở chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc. Ảnh: H.T
Thực hiện tốt công tác phật sự, từ thiện xã hội
Phật giáo Nam tông Bạc Liêu hiện có 22 chùa Khmer và 10 sa-la-ten, với trên 260 vị sư, trong đó có 2 vị hòa thượng, 11 vị thượng tọa và 13 vị đại đức. Trong những buổi thuyết giảng Phật pháp, Hội còn lồng ghép công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”; hưởng ứng Ngày vì người nghèo do tỉnh phát động… Ngoài ra, thường xuyên vận động, hướng dẫn sư sãi và phật tử phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tích cực hưởng ứng công tác an sinh xã hội do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và chính quyền các cấp phát động, từ đó góp phần đưa công tác từ thiện năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội ĐKSSYN tỉnh đã cùng với các chùa thực hiện rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội thiết thực như: chăm sóc sức khỏe người nghèo; xây dựng cầu, đường nông thôn; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức (tặng xe đạp, học bổng, dụng cụ học tập, sách, vở…); hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt, quà Tết cho bệnh nhân nghèo, người nghèo, kể cả vận động xây nhà tình thương cho các hộ gặp khó khăn về nhà ở. Tổng trị giá cho các hoạt động xã hội từ thiện 5 năm qua của Hội ĐKSSYN tỉnh và các chùa lên đến hơn 12,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, song song với công tác tuyên tuyền cho phật tử, bà con dân tộc Khmer thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, Hội ĐKSSYN tỉnh còn tích cực vận động người có uy tín, nhà hảo tâm, phật tử. Qua đó, thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc phát hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm; thăm và tặng quà các chốt kiểm soát dịch bệnh… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Thời gian tới, Hội ĐKSSYN tỉnh sẽ tiếp tục tập hợp đoàn kết trong sư sãi và đồng bào phật tử Khmer đoàn kết giữa các hệ phái với các tôn giáo bạn, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và hành động, đưa mọi hoạt động của Hội đi vào nền nếp ổn định và phát triển theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, làm sáng ngời hơn truyền thống yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Hoàng Uyên