Chính trị
Hội LHPN huyện Hồng Dân: Tích cực tham gia xây dựng kinh tế hợp tác và hợp tác xã
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân khóa XII về tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững giai đoạn 2015 - 2020, thời gian qua Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã chọn khâu đột phá là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương xây dựng kinh tế hợp tác và hợp tác xã; trong đó, mô hình phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một điển hình.
Ra mắt tổ hợp tác làm ghế nhựa ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. Ảnh: T.T
Ngoài việc phối hợp xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của hàng trăm tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện Hồng Dân còn tạo điểm nhấn từ mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, dịch vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, gia công đồ thủ công mỹ nghệ và hùn vốn phát triển kinh tế gia đình… Qua đó đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động nữ ở nông thôn và nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình; một bộ phận cán bộ, hội viên còn thoát nghèo bền vững và không ít chị em đã vươn lên khá giàu khi tham gia mô hình kinh tế hợp tác.
Điển hình như nhóm phụ nữ ở ấp Ninh Thạnh Đông (xã Ninh Thạnh Lợi) đã tự phát triển nghề đan ghế nhựa khung sắt hơn 1 năm nay, tuy nhiên để phát huy vai trò của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên Hội Phụ nữ đã làm nòng cốt tập hợp, vận động cán bộ, hội viên tham gia vào “Tổ hợp tác gia công ghế nhựa” với 10 thành viên. Địa điểm sản xuất và nhà kho tập kết nguyên liệu tại hộ chị Lê Thị Khiếm; địa điểm giao dịch buôn bán mặt hàng ghế nhựa là tại chợ Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Vốn điều lệ ban đầu là 10 triệu đồng, do 10 hộ thành viên đóng góp với gần 30 lao động ở mọi lứa tuổi đều có thể làm được. Hiện nay, trung bình hàng tháng Tổ hợp tác gia công xong và cung cấp 170 cái ghế nhựa bán ra thị trường các tỉnh. Theo tính toán, sau khi trừ chí phí nguyên vật liệu và chi phí quản lý, vận chuyển của Tổ hợp tác thì lợi nhuận thu về cho mỗi lao động trung bình thấp nhất là hơn 1 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở nông thôn, nhất là người dân tộc Khmer. Chị Lê Thị Khiếm (Tổ trưởng Tổ hợp tác) kiến nghị: Chúng tôi mong sao Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời ngành chức năng cũng mở lớp tập huấn khuyến công giúp chị em có chứng chỉ nghề để vững vàng hơn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với phát triển thị trường…
Với quan điểm đoàn kết, hợp tác sản xuất - kinh doanh để xây dựng kinh tế gia đình phát triển bền vững; tổ chức Hội Phụ nữ và cán bộ, hội viên phụ nữ ở huyện Hồng Dân đã thi đua thực hiện ngày càng tốt hơn mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, xem đây là công trình, phần việc và điểm nhấn hưởng ứng trong phong trào thi đua làm dân vận khéo của phụ nữ tỉnh Bạc Liêu năm 2017. Chị Nguyễn Thị Hiểu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Dân, cho biết: “Những kết quả ban đầu của mô hình phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã của Hội Phụ nữ trên lĩnh vực nghề tiểu thủ công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ phát triển những ngành nghề này mà tạo cơ hội và động lực cho chi em khởi nghiệp bền vững tại địa phương, không phải xa quê đi lao động ở những nơi khác.
Đàm Nguyễn