Hội thảo “Bạc Liêu 20 năm - một chặng đường phát triển”: Tâm huyết vì một Bạc Liêu phát triển

Thứ Tư, 23/11/2016 | 15:29

Với 11 ý kiến phát biểu và 23 bài tham luận, thảo luận của các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học tại Hội thảo “Bạc Liêu 20 năm - một chặng đường phát triển” vừa diễn ra (ngày 22/11) đã cung cấp những góc nhìn đa chiều về tiềm năng và định hướng phát triển cho Bạc Liêu. Báo Bạc Liêu xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu tại Hội thảo…

Các đại biểu trao đổi ý kiến trong giờ giải lao. Ảnh: H.L

Đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM:

Bạc Liêu cần đầu tư chiều sâu vào những lĩnh vực có thế mạnh

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã có sự phát triển khá toàn diện, các mặt kinh tế - xã hội nhìn chung đạt khá. Đặc biệt, Bạc Liêu có truyền thống văn hóa đặc sắc khi sở hữu “chiếc nôi” của đờn ca tài tử, đồng thời là quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang”…

Bên cạnh đó, người Bạc Liêu có tinh thần vượt khó vươn lên, nổi tiếng hào hiệp, mến khách. Văn hóa du lịch Bạc Liêu ngày càng thu hút bởi các sản phẩm du lịch phong phú như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, văn hóa, ẩm thực… đậm chất Nam bộ. TP. Bạc Liêu ngày càng khang trang và sạch đẹp hơn với các điểm nhấn như: Quảng trường Hùng Vương, vườn chim và vườn nhãn nổi tiếng… Nếu có hướng đi đúng, có sự đầu tư mạnh Bạc Liêu sẽ bứt phá, phát triển xứng tầm. Bạc Liêu cần đầu tư chiều sâu cho những lĩnh vực có thế mạnh. Chẳng hạn như để Bạc Liêu trở thành trung tâm của ngành tôm thì cần được đầu tư toàn diện, không chỉ ứng dụng công nghệ cao về giống mà còn quan tâm đến thức ăn, chế biến, xử lý môi trường... Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng là nơi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có trường đại học, nhiều cơ sở và trường nghề chất lượng cao. Do đó, Bạc Liêu cần tập trung đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Hành trang văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ sẽ nâng bước cho Bạc Liêu trong tiến trình phát triển và hội nhập. Với một số thế mạnh về du lịch hiện nay, Bạc Liêu cần sáng tạo những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.

Đồng chí Nguyễn Trường Giang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:

Tiềm năng của  Bạc Liêu không thua kém ai

Dù thời gian đã trôi qua ngót nghét 20 năm, nhưng tôi luôn nhớ đến hình ảnh ngày đầu tiên tái lập tỉnh năm 1997, đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm Bạc Liêu đã phải xuống xe đi bộ với sự chào đón nồng nhiệt của người dân Bạc Liêu dành cho nguyên Thủ tướng Chính phủ. Và đây cũng chính là niềm vui của người dân với niềm hy vọng Bạc Liêu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi trở thành một tỉnh lỵ riêng biệt, ý Đảng - lòng dân đã thật sự gặp nhau. Rất nhiều khó khăn cho những ngày đầu tái lập tỉnh, nhưng hình ảnh đó cũng sớm qua mau khi Bạc Liêu nhanh chóng bắt tay thực hiện những quyết sách đầu tiên để thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm và cầu thị, Bạc Liêu đã mời nhiều chuyên gia, giáo sư, kỹ sư nổi tiếng để giúp Bạc Liêu tìm hướng phát triển từ xuất phát điểm khá thấp. Dần dần, vùng phía Bắc - từ những cánh đồng bao la nhiễm phèn, ngọt không tới, mặn tràn về… đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng, sản xuất hiệu quả, cuộc sống vùng nông thôn ngày một nâng lên. Còn vùng phía Nam - với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, người dân ở đây cũng đã cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, và hiện nay Bạc Liêu trở thành địa phương duy nhất trong nước, là một trong số ít quốc gia thực hiện thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Có nhiều ý kiến cho rằng, Bạc Liêu so với các tỉnh, thành khác rất ít tiềm năng vì không có danh lam thắng cảnh đẹp, không có mỏ than, mỏ dầu…, nhưng tôi cho rằng nếu thật sự biết khai thác, tiềm năng phát triển của Bạc Liêu không thua kém ai.

Đồng chí Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

Bạc Liêu sẽ vươn lên mạnh mẽ

Nhìn lại chặng đường 20 năm, có thể thấy Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 12,3%, diện tích nuôi trồng thủy sản ngày một mở rộng, dẫn đến sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản tăng gấp 6 lần so với năm 1997. Hạ tầng cơ sở nông thôn đã rút dần khoảng cách với thành thị, hiện có 38/49 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 8 lần so với năm 1997, thu ngân sách đạt gấp 20 lần so với năm đầu tiên tái lập tỉnh… Chính những chủ trương, chính sách đúng đắn và những kết quả trên đã đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh luôn ở mức cao; các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng… có sự chuyển biến tích cực. Những thành tựu trên cũng là tiền đề quan trọng cho tỉnh ở những chặng đường tiếp theo. Với tiềm năng sẵn có, nền tảng chính trị vững chắc, đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén…, Bạc Liêu sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Hoàng Uyên (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.