Họp mặt kỷ niệm 20 năm Báo Bạc Liêu ra số đầu tiên: Những ân tình đọng lại

Thứ Tư, 18/01/2017 | 16:22

Đã có những giọt nước mắt rơi xen lẫn nụ cười trong buổi chiều hôm thứ Ba, ngày 17/1/2017 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Bính Thân), tại hội trường Báo Bạc Liêu. Những người đã và đang công tác ở Báo Bạc Liêu trong 20 năm qua kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên (1/1/1997 - 1/1/2017) đã có một cuộc hội ngộ thật xúc động sau 20 năm gian khó và trưởng thành…

Quang cảnh buổi họp mặt. Ảnh: M.Đ

Câu chuyện bắt đầu từ 14 người trong đội quân tiên phong về Bạc Liêu nhận nhiệm vụ thực hiện tờ báo của Đảng bộ địa phương sau khi Bạc Liêu được chia tách. Ông Nguyễn Minh Chánh, nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu cho biết đó là những người được lựa chọn theo tiêu chí: một là muốn cống hiến cho Bạc Liêu, hai là người quê ở Bạc Liêu. Và 20 năm sau, trong số những người từng “thích về Bạc Liêu hay có quê ở Bạc Liêu ấy”, nhiều người đã nghỉ hưu, có người đang nắm giữ chức vụ cao nhất ở Báo Bạc Liêu, có người vẫn miệt mài làm một phóng viên, nhưng ngọn lửa nghề của 20 năm trước khi “vác ba lô” về Bạc Liêu vẫn cháy trong tim mỗi người.

Rất nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện vừa vui vừa cảm động được nhà báo Nguyễn Duy Hoàng - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu chia sẻ đã vẽ nên chân dung những thành viên đầu tiên của “ngôi nhà chung” Báo Bạc Liêu thuở ấy. Đó là nhà báo Đoàn Hùng “cẩn trọng và là mẫu hình cần có cho biên tập viên các thế hệ nối tiếp”, là biên tập viên Trần Xuân Linh thích uống trà và viết tùy bút, vọng cổ. Là nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa luôn cho người đọc thấy “cho dù có ngọt bùi, cay đắng ra sao thì quê hương vẫn là chùm khế ngọt”. Đó còn là chị cấp dưỡng Đặng Thị Ngọc Nga, người “gom góp, dè sẻn chăm chút cho từng bữa ăn của tập thể cơ quan, làm sao để anh em đủ no, đủ chất để đủ sức làm ra tờ báo”… Còn nhiều câu chuyện về những người đầu tiên ấy mà kể hoài cũng không hết, mà có thể rút ra một điểm chung: họ luôn yêu nghề, sống hết mình với nghề báo từ thời “làm báo xơ xác nghèo” đến thời buổi hiện đại hôm nay.

Từng trải qua những giai đoạn khó khăn cùng với hoàn cảnh chung của cả tỉnh như thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, Báo Bạc Liêu hôm nay được nhận định là trưởng thành về mọi mặt: chất lượng nội dung, hình thức đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng, làm tốt nhiệm vụ chính trị của một cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, diễn đàn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Báo có số trang nhiều nhất ĐBSCL, số lượng truy cập báo Bạc Liêu điện tử đạt trên 40 triệu lượt sau 5 năm ra mắt, báo Bạc Liêu chữ Khmer được phát hành đến phum sóc. Số lượng người làm báo Bạc Liêu hôm nay cũng tăng nhiều hơn so với 20 năm trước, trong đó có khá nhiều gương mặt trẻ.

Nhắn nhủ với thế hệ nhà báo trẻ hôm nay, nhà báo lão thành Đoàn Hùng nói ngắn gọn “thật vui khi thấy các em, các cháu trưởng thành về mọi mặt nhưng cũng lo lắng khi sự phát triển kinh tế - xã hội hôm nay đã tác động rất lớn đến nghề báo, mong các em, các cháu sẽ tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, tay nghề”. Nhà báo Vũ Khánh (báo Làng nghề Việt Nam) thì chia sẻ xúc động “buổi họp mặt hôm nay thật ấm áp với những kỷ niệm sâu sắc luôn làm tôi “nặng lòng” với Báo Bạc Liêu”. Những nỗi niềm của những nhà báo đã và đang công tác ở Báo Bạc Liêu cứ thế mà lan tỏa, mà mang đến nụ cười và lấy nước mắt của những người tham dự.

Các thế hệ nhà báo ở Báo Bạc Liêu cứ nối tiếp nhau, có người đã chuyển sang “đầu quân” cho các tờ báo khác nhưng ân tình với Báo Bạc Liêu thì vẫn ở lại, đong đầy. Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng dặn dò thế hệ nhà báo trẻ: “Hãy nhìn những người đi trước mà sống, mà làm nghề, mà gắn bó nhau hơn”. Đó cũng chính là vốn quý mà những thế hệ người làm Báo Bạc Liêu có được trong hành trình 20 năm của mình.

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.