Huy động nhiều nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh

Thứ Hai, 23/09/2024 | 14:26

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Quy hoạch tổng thể của tỉnh.

Khai thác và phát triển du lịch - một trong “3 trụ cột” sẽ được tăng cường đầu tư.

PHÁT TRIỂN “3 TRỤ CỘT”

Theo Kế hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm, đặc biệt quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020 và GRDP bình quân trên người đạt khoảng 187 triệu đồng. Trong đó, kinh tế số chiếm 20 - 25% GRDP. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược này, Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá. Đó là khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển “3 trụ cột” gồm: công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển nhanh, đồng bộ Tiểu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng. Cùng với đó là đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông - công nghệ thông tin, nhất là xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh…

Một trong những nội dung chủ yếu được Kế hoạch đề ra là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Theo đó, đến năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Trạm biến áp Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Kế hoạch cũng nêu rõ, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực (hành lang kinh tế ven biển từ Long An - Kiên Giang; đường cao tốc, đường ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu); hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp nước, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng thương mại và dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao, an sinh xã hội đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi; giao thông và hệ thống cảng; cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng cháy, chữa cháy, quốc phòng - an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, cấp nước, xử lý chất thải rắn…

Phát triển kinh tế biển là mục tiêu chiến lược của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chế biến nông, thủy sản; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; các vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản; giao thông vận tải; du lịch; ứng phó với BĐKH, cấp nước, xử lý chất thải rắn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu dự kiến huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 400.000 - 450.000 tỷ đồng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GRDP là 11,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030; trong đó nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 180.000 - 190.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 220.000 - 260.000 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các hành lang kinh tế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu ban hành quy định cơ chế huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

KIM TRUNG

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030 là xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với BĐKH; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển. Xã hội phát triển hài hòa, đời sống người dân được nâng cao. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 29%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Trần Tuấn Kiệt: Đẩy mạnh mời gọi đầu tư một số công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển

Tiếp tục xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển gắn với thực hiện tốt Quy hoạch đã được ban hành, huyện Đông Hải sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030 để huyện trở thành trọng điểm về kinh tế biển và theo tiêu chuẩn đô thị loại IV gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị xã Điền Hải đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung cải tạo xây dựng thị trấn Gành Hào. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ, phát triển giao thương hàng hóa, gắn với quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Quan tâm quy hoạch cụm công nghiệp trên tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào. Đặc biệt, sẽ tiếp tục quy hoạch các xã phía Đông là vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp cận các dự án động lực và vận dụng các cơ chế, chính sách để mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu đánh bắt thủy sản, tàu thuyền có quy mô phù hợp và hiện đại tại khu kinh tế biển Gành Hào. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như thủy lợi, ứng phó với BĐKH…

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Trần Anh Thi: Giữ ổn định quy hoạch đất trồng lúa gắn với phát huy giá trị mang lại từ cây lúa

So với các địa phương khác, thế mạnh kinh tế hàng đầu của huyện Vĩnh Lợi chính là cây lúa với tổng diện tích canh tác 17.052ha và hằng năm duy trì ổn định diện tích gieo trồng khoảng 40.000ha, cho tổng sản lượng khoảng 250.000 tấn lúa chất lượng cao, lúa thơm và lúa đặc sản. Thực hiện quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện Vĩnh Lợi sẽ giữ ổn định quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2030 gắn với tăng cường đầu tư phát huy giá trị mang lại từ cây lúa. Hiện huyện đang và tiếp tục thực hiện đồng thời một số giải pháp để phát huy giá trị của cây lúa, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.

Cùng với đó là chỉ đạo cả hệ thống chính trị của huyện tiếp tục vào cuộc cho tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp mà trước hết là số hóa cho cây lúa, cấp mã số vùng trồng cho cây lúa, khuyến khích xây dựng các vùng trồng đạt chuẩn theo nhu cầu của thị trường và truy xuất nguồn gốc… Mục tiêu là mỗi người sản xuất lúa phải chủ động tiếp cận, thực hành và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất lúa…

Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính, nguồn lực của địa phương và của người dân còn hạn chế, trong khi diễn biến phức tạp, khó lường của BĐKH; cạnh tranh của thị trường vượt sức của người sản xuất; chuyển đổi số trong nông nghiệp còn mới mẻ và rất khó ứng dụng hiệu quả trong thời gian ngắn. Do vậy, huyện Vĩnh Lợi cũng đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh cần tiếp tục quan tâm và nâng cao suất đầu tư hỗ trợ phát triển hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất lúa (trạm bơm, ô đê bao, giao thông, cụm công nghiệp chế biến, kho trữ…) để thích ứng tốt với BĐKH và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ về công nghệ, chuyên môn và đào tạo cho cán bộ, người dân trong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, số hóa trong sản xuất, tiêu thụ lúa cho người dân trong địa bàn huyện…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.