Huy động sức dân cùng vượt qua đại dịch

Thứ Hai, 06/09/2021 | 12:48

Một chân lý được minh chứng qua tất cả các giai đoạn lịch sử của dân tộc là sức mạnh Nhân dân vô cùng to lớn, quyết định sự thành bại, tồn vong của đất nước. Đối với cách mạng ta, Nhân dân còn là trung tâm phục vụ, chủ thể thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và thụ hưởng những thành quả của công cuộc kiến thiết, bảo vệ quê hương. Vì vậy, huy động sức dân phù hợp với thực tiễn luôn là sách lược then chốt của Đảng và Nhà nước ta.

Bài 1: Vũ khí phòng, chống dịch từ lòng dân

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, cùng với các biện pháp cấp bách, huy động sức dân để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh được xem như một quyết sách của Đảng và Nhà nước. Ở Bạc Liêu, tùy theo khả năng của mình, người dân đã và đang cùng Đảng bộ, chính quyền quyết liệt phòng, chống đại dịch COVID-19, với mong muốn sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của huyện Vĩnh Lợi đóng tại nhà anh Huỳnh Văn Đẳng (ảnh nhỏ).

Tất cả vì sức khỏe cộng đồng

Mỗi sáng, vợ anh Huỳnh Văn Đẳng (ấp Ngọc Được, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đều đi chợ để nấu ăn cho 9 người, dù gia đình chỉ có 4 thành viên. Công việc này diễn ra từ tháng 5/2021, thời điểm chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cầu treo Vàm Lẽo hoạt động đến nay. Cây cầu nối liền huyện Vĩnh Lợi với huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), mở thêm tuyến đường đi lên Cần Thơ. Do vậy, hằng ngày có rất nhiều lượt người, phương tiện của 2 tỉnh qua lại cây cầu này.

Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, UBND huyện Vĩnh Lợi quyết định lập một chốt kiểm soát tại đây cử người trực. Nghe chính quyền mở lời mượn nơi lập chốt, vợ chồng anh Đẳng đồng ý ngay. Nhà có sân rộng, nằm cạnh đường dẫn lên cầu nên dựng chốt chặn tại đây thuận tiện. Người chủ hộ này chia sẻ: “Chốt lập trước mặt nhà, người ra vào khai báo y tế đông nên gia đình cũng lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Song, nếu không cho huyện lập chốt thì người dân 2 bên cầu đi luồng tuông, nguy cơ dịch bệnh lây lan thì gia đình mình cũng không an toàn”.

Điểm đóng chốt xa trung tâm xã nên gia đình anh Đẳng lo luôn việc cơm nước cho chiến sĩ công an, dân quân và nhân viên y tế làm nhiệm vụ, đồng thời cho mượn võng để anh em ngả lưng nghỉ ngơi khi vắng người qua lại. Số người ăn cơm tăng lên gấp đôi, kéo dài nhiều tháng liền cũng là một áp lực, nhưng điều đó không phải là khó đối với gia đình anh. Người con gái út 16 tuổi vào bếp phụ mẹ, vừa đỡ đần nấu nướng, vừa góp chút sức để các anh an tâm trực gác.

Còn đội ngũ giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu thì đang trải qua một kỳ nghỉ hè “có một không hai”. Bằng sức trẻ, tinh thần tình nguyện và nghiệp vụ y, hơn 500 lượt giảng viên, sinh viên nhà trường đã và đang xung kích nơi tuyến đầu chống dịch. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhà trường đã cử 3 đợt sinh viên tham gia đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế tại 15 chốt chặn đường bộ, đường thủy trong tỉnh. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, bạn Âu Trúc Phương (lớp Đ13A5) chia sẻ: “Bản thân em hiểu rằng, là sinh viên trường y, tham gia chi viện phòng, chống dịch ở ngay quê hương mình là niềm hạnh phúc. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đợt đi thực tế quý giá trước khi chúng em ra trường”.

Cô trò Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu lấy mẫu tầm soát COVID-19 cho người dân TP. Bạc Liêu.

Trong thời gian tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng này tạm thời ngưng hoạt động, thay vào đó, 43 bạn khác xung phong giúp TP. Bạc Liêu lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tất cả người dân trên địa bàn. Nếu cần, nhà trường có thể huy động thêm các sinh viên đang trở về địa phương cư trú trong thời gian tỉnh thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, 20 sinh viên của trường đăng ký giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Phường 1 (TP. Bạc Liêu) truy vết đối tượng F1 và F2.

Trường cao đẳng Y tế cũng vừa hoàn thành tập huấn trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 cho 700 sinh viên về 4 nội dung cơ bản: cấp cứu và chăm sóc người bệnh; cách ly, phòng chống nhiễm khuẩn và phân luồng người bệnh; lấy mẫu và xét nghiệm; và tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh COVID-19. Tất cả sẵn sàng lên đường khi tỉnh tổng động viên nhân lực ngành Y tế. Dịch bệnh hoành hành là thời điểm tinh thần thế hệ trẻ ngành Y sống vì cộng đồng trỗi lên mạnh mẽ.

Của ít lòng nhiều

Không chỉ góp sức người, Nhân dân tỉnh nhà còn ủng hộ vật chất, làm hậu phương vững chắc cho lực lượng tuyến đầu đẩy lùi đại dịch. Lấy sản vật làm quà, người dân tát đìa, bắt cá tôm, xẻ thịt, phơi khô thành phẩm gửi tặng các chốt kiểm soát và các tỉnh, thành phố đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh. Hay hình ảnh các chị tiểu thương ở TP. Bạc Liêu đem vài bó rau, ít trái cây, dăm ba hộp cá mòi góp vào “Chuyến xe nghĩa tình - Đồng hành vượt qua đại dịch” khiến nhiều trái tim thấy ấm áp! Trong tình hình áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn, đầu ra nông sản ách tắc, những nghĩa cử đó càng làm bật lên tấm lòng tương thân tương ái của Nhân dân, đồng lòng cùng Nhà nước “chống giặc vô hình”.

Nhà sư Tấn Thiền tham gia đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến trao cho người dân huyện Đông Hải. Ảnh: N.Q

Chiến thắng đại dịch là mục đích chung, chen vai sát cánh để đạt điều đó là việc không của riêng ai, chẳng phân biệt tổ chức hay cá nhân. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng góp bằng tiền mặt, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, cam kết tài trợ vắc-xin, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng phục vụ phòng, chống dịch. Hai người uy tín ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) là Danh Sa Rây và Danh Thọ thì không quản đêm ngày đi tuyên truyền, nhắc nhở bà con Khmer tuân thủ “ai ở đâu thì ở đó”. Còn nhà sư Tấn Thiền (chùa Long Phước) hăng hái  tham gia đưa đồ cứu trợ đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vị tăng trẻ còn nhắn: “Khi nào có chuyến đi thiện nguyện, mọi người nhớ gọi tôi đi cùng!”.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta, gần 2 năm qua, Nhân dân tỉnh nhà luôn giữ vững niềm tin với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đại đa số bà con đồng lòng, ủng hộ, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trẻ em vẽ tranh cổ động, thanh niên góp sức với tuyến đầu, giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Người cao tuổi thì lấy lương hưu, trích tiền tiết kiệm đóng góp mua vắc-xin… “Đông tay thì vỗ nên kêu” và nhịp vỗ ấy đã lan xa khắp khóm ấp, từ thành thị đến nông thôn!

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.