Chính trị
Huyện Hồng Dân: Nhiều nét mới trong phát triển văn hóa - xã hội
Năm 2015, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm của Huyện ủy, UBND huyện và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, Hồng Dân đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điểm lại một số kết quả nổi bật trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết:
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân. Ảnh: TH
Kết quả nổi bật nhất của Hồng Dân trong năm 2015 là công tác giảm nghèo (giảm 489 hộ nghèo, đạt 110,6% kế hoạch; hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 2,27% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,45%). Một số mặt công tác khác như an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, công tác giáo dục - đào tạo, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… cũng được thực hiện tốt. Huyện vận động quỹ An sinh xã hội trên 7,2 tỷ đồng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đều vượt so với kế hoạch, chỉ tiêu tỉnh giao. Công tác giáo dục - đào tạo được thực hiện khá tốt ở tất cả các bậc học, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 99%, đặc biệt là tỷ lệ học sinh THPT thi đậu vào các trường đại học năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay huyện Hồng Dân cũng có trên 97% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 50/71 ấp giữ vững danh hiệu văn hóa 6 năm liền.
Khu dân cư kiểu mẫu nông thôn mới ở xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân). Ảnh: T.H
PV: Trong định hướng phát triển văn hóa - xã hội nhiệm kỳ mới (2015 - 2020), được biết ông là người có nhiều đề xuất tâm huyết. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng của mình cũng như định hướng sắp tới của huyện?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Trong thời gian tới, huyện Hồng Dân quan tâm nhiều đến công tác giáo dục. Tất nhiên không phải là trong một sớm một chiều mà là định hướng lâu dài, bền vững, làm sao để nền giáo dục Hồng Dân đi theo xu thế phát triển chung của tỉnh, của cả nước. Trong đó, chúng tôi chú trọng tìm kiếm các nguồn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, xóa bỏ các trường học, lớp học cũ kỹ. Bên cạnh đó, huyện luôn chỉ đạo, điều hành nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hướng đến xây dựng một “xã hội học tập” đúng nghĩa.
Sau giáo dục, Hồng Dân sẽ thực hiện kỳ được công tác “giảm nghèo bền vững”. Tôi đang đề xuất hướng huy động gắn liền với người nhà, thân nhân hộ nghèo trước, sau đó mới đến các doanh nghiệp bằng phương pháp “đặt địa chỉ”. Tức là đặt những con người, hoàn cảnh cụ thể rồi kêu gọi thân nhân và cộng đồng giúp đỡ. Trong đó, phân chia nhóm các hộ nghèo, khó khăn cần được giúp đỡ, hộ nào nằm trong nhóm nghèo mà thể hiện được ý chí cầu tiến, hợp tác với địa phương và chủ động để vươn lên thì chính quyền sẽ giúp đỡ trước. Việc phê duyệt vốn vay cho hộ nghèo sẽ không dừng lại ở tính định mức cụ thể như trước đây, thay vào đó là hình thức giải ngân theo phương án làm ăn. Cách làm này giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vừa sức với mình, hiệu quả kinh tế sẽ chắc chắn hơn. Song song với giảm hộ nghèo, huyện còn quan tâm đến việc phát triển kinh tế hộ, phát triển những hộ giàu, hộ khá để giảm hộ trung bình. Những hộ khá, giàu sẽ hợp sức giúp đỡ hộ nghèo trong dòng họ của mình vươn lên, thì về lâu dài, làm được việc này, chuyện giảm nghèo tất yếu sẽ bền vững.
PV: Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền gắn xây dựng kinh tế với phát triển văn hóa, Hồng Dân thực hiện điều này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Huyện tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, kinh tế phát triển tới đâu, bộ mặt văn hóa phải được thay đổi, phát triển theo đến đó.
Mặt khác, đối với các ấp đã đạt chuẩn văn hóa, Hồng Dân sẽ xoát xét để nâng những chuẩn nào có điều kiện phát triển cao hơn và duy trì những chuẩn khác, chứ không dừng lại ở mức được công nhận (ví dụ như nâng chuẩn về hộ nghèo, chuẩn về an toàn giao thông, an ninh trật tự… trong tiêu chí các ấp văn hóa).
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Hải (thực hiện)