Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Huyện Phước Long: Gắn đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững
Trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Phước Long xác định công tác đào tạo nghề, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định là giải pháp căn cơ nếu được tập trung thực hiện hiệu quả. Do đó, huyện đã và đang triển khai thực hiện nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và việc làm chuyển dịch cho lao động nông thôn, nhất là người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Tổ đan lục bình ở thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) vừa hỗ trợ đào tạo nghề, vừa giúp người dân có việc làm tại chỗ. Ảnh: T.T
Đa dạng các mô hình đào tạo nghề
Theo chỉ đạo của huyện, ngay từ đầu năm, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành liên quan, các hội, đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo và nhu cầu học nghề, việc làm của người dân trên địa bàn huyện. Dựa trên cơ sở khảo sát, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình đạo tạo nghề gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thế mạnh về nghề truyền thống, các nghề phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu thị trường lao động trong, ngoài tỉnh.
Đơn cử như, thời gian qua huyện đã luôn duy trì và phát huy làng nghề đan đát truyền thống. Trong các khóa đào tạo, người học có thể làm ra những sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có tính thẩm mỹ cao và được thị trường chấp nhận từ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công đoạn xử lý nguyên liệu thay vì làm thủ công như trước đây. Đồng thời, hướng dẫn người lao động xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Ngoài ra, với thế mạnh của vùng sản xuất mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, Phước Long đã chú trọng mở các lớp đào tạo nghề và tập huấn kỹ thuật nuôi trồng nhằm giúp bà con tăng năng suất, đồng thời tạo sản phẩm tôm sinh thái và lúa sạch riêng biệt của địa phương. Tương tự, huyện cũng đã mở hàng chục lớp đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu, cây ăn trái có giá trị phù hợp với từng vùng cho hàng ngàn lao động, người nghèo trong huyện. Không chỉ vậy, ngành chức năng, hội, đoàn thể còn vận động mạnh thường quân tặng cây, con giống, vật tư nông nghiệp, thủy sản cho những hộ nghèo, cận nghèo với mục tiêu các hộ khi triển khai các mô hình cùng các kiến thức được đào tạo sẽ đạt thu nhập cao nhất ở các vụ mùa.
Giúp người dân thoát nghèo bền vững
Bên cạnh tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp đào tạo nghề theo sự dịch chuyển kinh tế, thế mạnh của địa phương như trên, Phước Long tiếp tục tìm hiểu thị trường lao động, doanh nghiệp và theo nhu cầu của người dân để tổ chức các lớp đào tạo các ngành nghề như: xây dựng dân dụng, may dân dụng, điện dân dụng, sửa chữa, lắp ráp, cài đặt thiết bị máy vi tính... Trong năm 2022, có gần 4.680 lao động trong huyện được đào tạo với hình thức truyền nghề và được bố trí việc làm tại nơi người dân tham gia học nghề; mở 17 lớp đào tạo sơ cấp cho hơn 500 lao động thuộc diện hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, sau các khóa học, ngành chức năng cũng tranh thủ kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người dân. Kết quả cụ thể, tỷ lệ lao động của huyện sau khi hoàn thành các lớp đào tạo có việc làm đạt 97,8%.
Việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo cũng chính là giúp họ có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ hiện đại, có được kỹ năng, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, từ đó có được việc làm ổn định, thu nhập tăng lên. Đây chính là giải pháp căn cơ để người nghèo, cận nghèo thoát khỏi tư tưởng ỷ lại, tự lực vươn lên trong cuộc sống và kết quả của việc thoát nghèo cũng thật sự bền vững hơn.
Do đó thời gian tới, huyện Phước Long sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập hiện nay như đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc học nghề, không chỉ trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện để lao động địa phương không phải ly hương...
Hoàng Uyên
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra
- Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025