Chính trị
Huyện Phước Long: Những bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng nông thôn mới
Phước Long là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về XDNTM giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, do nôn nóng hoàn thành các tiêu chí và chỉ tiêu, nên huyện đã để xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt là nợ đọng kéo dài 400 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh. Trước thực trạng này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã “vào cuộc”, tháo gỡ khó khăn, khắc phục “sự cố”. Hiện, Huyện ủy và UBND huyện Phước Long đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí; đồng thời, đề nghị tỉnh và Trung ương xem xét, quyết định công nhận huyện NTM vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018.
Bài 1: Nôn nóng nên... nợ nần
Dưới sự tập trung chỉ đạo của tỉnh và sự đoàn kết quyết tâm phấn đấu của địa phương, đến thời điểm này, Phước Long đã trả dứt số nợ hàng trăm tỷ đồng XDNTM, đủ điều kiện để được công nhận huyện NTM. Bài học kinh nghiệm về XDNTM ở huyện Phước Long đã qua vẫn còn nguyên tính thời sự đối với các địa phương đang thực hiện lộ trình này, nhất là về công tác cán bộ, việc huy động nguồn lực.
Bài học từ chuyện nợ nần
Năm 2010, Phước Long được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về XDNTM giai đoạn 2010 - 2015. Mặc dù xuất phát điểm còn thấp nhưng bằng mọi biện pháp, đến năm 2015 huyện có 7/7 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận xã NTM. Nhưng do nôn nóng chạy theo chỉ tiêu về thời gian và do kinh nghiệm của hầu hết cán bộ chưa kinh qua thực tế, chưa có nơi để học tập rút kinh nghiệm, khó khăn về nguồn lực… nên nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản có thời điểm lên đến gần 400 tỷ đồng. Vì vậy, tuy đạt 19/19 tiêu chí nhưng do vướng nợ nần, nên Phước Long vẫn chưa được công nhận huyện NTM.
Ông Đặng Tiến Út - Bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết: Đến thời điểm này, địa phương đã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản, đủ điều kiện được công nhận huyện NTM. Để có được kết quả này, trước hết là nhờ sự tập trung chỉ đạo của tỉnh, sự chia sẻ của các huyện, thành phố trong tỉnh trong việc tập trung dồn vốn để Phước Long thanh toán dứt điểm nợ đọng. Mặt khác, bản thân huyện cũng đã cố gắng trong việc tập trung nguồn lực để trả nợ đi đôi với việc củng cố các tiêu chí.
Khó khăn đã qua, nhưng những kinh nghiệm về XDNTM ở địa phương này sẽ luôn là bài học quý giá cho các địa phương còn lại. Có nhiều lý giải cho những khoản nợ này: việc huy động các nguồn lực XDNTM còn gặp nhiều khó khăn, trong khi chính sách kêu gọi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp còn thấp, quy mô nhỏ. Thiếu vốn đầu tư, nguồn lực của địa phương và trong nhân dân có hạn là một trong những khó khăn trở ngại lớn nhất trong lộ trình XDNTM ở Phước Long. Trên thực tế, đối với một huyện có xuất phát điểm thấp như Phước Long, vai trò của vốn ngân sách cho XDNTM trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà, tạo niềm tin để huy động các nguồn lực khác. Nhưng thực tế là vốn Trung ương hỗ trợ ít, song song đó, nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác của tỉnh đầu tư cũng không nhiều. Nguồn vốn chủ yếu mà Phước Long đầu tư cho XDNTM chủ yếu dựa vào nguồn vốn cân đối cho huyện hàng năm. Không có tiền chi trả cho các công trình xây dựng cơ bản đường sá, cầu cống, nhà văn hóa…, huyện tạm ứng các nguồn khác để thực hiện, có lúc đến gần 300 tỷ đồng. Ngay cả nguồn chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục - đào tạo cũng phải tạm ứng. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao dù cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã cố gắng hết sức nhưng vẫn lâm vào cảnh nợ nần.
Một trong những con đường giao thông nông thôn chuẩn nông thôn mới được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2015 tại xã Vĩnh Thanh, mà người dân đang thụ hưởng. Ảnh: X.T
Thiếu sự sáng tạo, linh hoạt, chạy theo phong trào
Tiếp cận chuyện nợ nần của huyện Phước Long từ góc độ xây dựng chính quyền, còn có những bài học khác cũng đắt giá không kém. Khi chương trình XDNTM được triển khai thực hiện đồng loạt ở 7/7 xã, nhưng hầu hết các xã đều áp dụng theo cách tiếp cận truyền thống “từ trên xuống”, thiếu sự sáng tạo, linh hoạt với hoàn cảnh thực tế của địa phương mình. Xã Vĩnh Thanh được chọn là đơn vị chỉ đạo điểm XDNTM, tuy vậy mô hình này lại không đại diện cho các xã còn lại vốn phần đông là xã nghèo. Ở thời điểm đầu khi thực hiện XDNTM, cán bộ của xã điểm - Vĩnh Thanh cũng như huyện phải mất nhiều thời gian vào các hoạt động đón tiếp khách, báo cáo kinh nghiệm, ít có thời gian tập trung suy nghĩ để hoàn thiện hơn đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc xây dựng đề án và quy hoạch của các xã NTM thường được tiến hành qua sự tư vấn từ các đơn vị làm chuyên môn quy hoạch. Tuy nhiên, ở nhiều xã, các đề án phát triển nông thôn lại được viết chung chung, theo một khuôn mẫu, phản ánh cách nhìn, quan điểm sách vở hơn là người của cư dân địa phương, tính khả thi của đề án NTM không cao và bất cập.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện XDNTM là nhận thức của phần đông cán bộ về nội dung, cách triển khai còn nặng tính hành chính, kinh nghiệm của hầu hết cán bộ chưa từng kinh qua nhiệm vụ còn khá mới mẻ trong thời điểm nhiều năm trước. Một số xã lại chạy theo phong trào, không lấy cư dân nông thôn làm trung tâm cho mục tiêu phát triển. Cán bộ và người dân địa phương thiếu kỹ năng quản lý, giám sát các công trình. Khi triển khai thực hiện đề án phát triển NTM ở các xã, do không có kinh nghiệm, cán bộ cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quản lý, giám sát các dự án phát triển nông thôn tại địa phương. Nhiều nơi, tuy có thành lập Ban quản lý giám sát, kiểm tra nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn thấp...
XUÂN THƯỞNG
- Công bố các quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ
- Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống điều phối dữ liệu y tế
- Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải năm 2025
- Huyện Phước Long: Tuyển chọn 176 công dân nhập ngũ năm 2025
- Triển khai nhiệm vụ năm 2025 về thực hiện Đề án 06/CP