Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Huyện Phước Long: Thu hút doanh nghiệp bao tiêu vụ lúa trên đất tôm
Thực tế cho thấy, vụ lúa hè thu vừa qua nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến bất lợi, giá vật tư nông nghiệp tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và thu nhập của bà con... Với quyết tâm đạt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế, ngay từ đầu vụ lúa trên đất tôm năm nay, huyện Phước Long đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Phước Long cùng nông dân kiểm tra lúa mới gieo sạ trên đất tôm.
LIÊN KẾT ĐỂ ỔN ĐỊNH ĐẦU RA
Vụ lúa trên đất tôm ở huyện Phước Long từ lâu đã được người dân xem là vụ sản xuất chính trong năm. Do đó không còn tình trạng nông dân trồng lúa chủ yếu chỉ để lấy rơm rạ phục vụ nuôi tôm như trước. Để giúp nông dân trong vùng chuyển đổi có một vụ mùa bội thu, UBND huyện Phước Long đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân gieo trồng vụ lúa trên đất tôm bảo đảm đúng khung thời vụ; khuyến khích gieo trồng giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu của thị trường, có đầu ra ổn định như: ST24, ST25, Một bụi đỏ, BL413, OM18…
Theo kế hoạch, vụ lúa trên đất tôm năm 2022, toàn huyện Phước Long tiến hành xuống giống trên diện tích 13.500ha. Để giúp nông dân có được đầu ra ổn định, ngay đầu vụ, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, như: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, nâng cao năng lực sản xuất của nông dân, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp... Đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ dân trong việc thực hiện liên kết sản xuất các giống lúa cho giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất tôm - lúa tập trung quy mô lớn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa để tiết kiệm nhân công... Đến nay, huyện đã có trên 6.000ha lúa ST24, ST25 và hơn 5.000ha lúa tím, lúa Nhật, Một bụi đỏ... được doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu. Ông Nguyễn Văn Hùng - Tổ trưởng Tổ hợp tác Thành Đạt (ấp Hành Chính, TT. Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Việc được ký kết bao tiêu ngay từ đầu vụ không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất, mà còn dần hình thành thói quen canh tác theo quy trình kỹ thuật đồng nhất. Theo đó, chất lượng hạt lúa được đảm bảo, bản thân nông dân cũng được bảo vệ sức khỏe khi không còn lạm dụng các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật như trước”.
Doanh nghiệp cung ứng lúa giống ST24 cho nông dân huyện Phước Long gieo sạ và bao tiêu đầu ra vào cuối vụ. Ảnh: C.L
LỢI ÍCH TỪ MÔ HÌNH LIÊN KẾT
Việc thực hiện liên kết bao tiêu không chỉ để ổn định đầu ra cho nông dân, mà với phương châm “đồng lợi ích - đồng trách nhiệm”, khi thực hiện liên kết thì nông dân còn nhận được sự hỗ trợ của đơn vị bao tiêu trong quá trình sản xuất. Do đó, triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ đã tạo nên “thế đồng hành” giữa đơn vị thu mua và nông dân trong quá trình làm nên hạt lúa.
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phước Long cho biết, những vụ mùa gần đây, khi thực hiện ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, các hộ nông dân nhẹ lo hơn, chỉ làm sao canh tác đúng kỹ thuật, chăm sóc lúa đạt năng suất, chất lượng, bởi cuối vụ đã có doanh nghiệp xuống tận nơi cắt và vận chuyển, giá cả cũng được thỏa thuận ngay từ đầu. Từ khi tham gia mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa, nông dân đều phấn khởi vì cũng trên cánh đồng ấy, khi còn canh tác nhỏ lẻ theo từng hộ thì thu nhập rất bấp bênh; còn khi liên kết sản xuất lại với nhau và được hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thông qua HTX gắn kết với doanh nghiệp trong thực hiện bao tiêu đầu ra sản phẩm thì lợi nhuận của người trồng lúa được tăng lên hơn gấp rưỡi.
Chính hiệu quả từ liên kết mang lại mà nông dân đăng ký tham gia vào mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa ngày càng nhiều hơn, qua đó tạo ra sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ quản lý chặt chẽ từ khâu xuống giống đến thu hoạch nên năng suất lúa khá cao, đồng thời giá thu mua cũng cao hơn thị trường từ 50 - 150 đồng/kg. Từ cách làm trên, mức lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ruộng lúa bên ngoài 1 - 2 triệu đồng/ha, do giá cả ổn định, giảm chi phí đầu vào.
CHÍ LINH
- Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Học sinh TP. Bạc Liêu say mê trải nghiệm “Nét Việt ngày xuân”
- Quỹ Thiện tâm tặng 500 suất quà Tết cho hộ nghèo
- Huyện Đông Hải và huyện Phước Long: Hơn 480 học sinh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, cấp huyện
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu