Khoa học và công nghệ - động lực then chốt phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 26/03/2025 | 15:22

>>> Bài 2: Hạt nhân nâng tầm khoa học và công nghệ khu vực

Bài 3:  Thách thức từ nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ

Đi lên từ “vùng trũng”, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - “vựa lúa”, trung tâm thủy sản và trái cây của Việt Nam, cũng đang đối diện nhiều thách thức khi bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (khóa XIII). Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (KH-CN) vừa thiếu, vừa yếu về chất lượng, cùng với nguồn tài chính hạn chế cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn đầu tư vào đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm mới. Ảnh minh họa: N.Q

“Vựa lúa” khát nhân tài

Trong những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận sự tiến bộ đáng kể trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn và lĩnh vực ngành nghề đào tạo của lực lượng này đều được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.850 trí thức, chiếm 1,64% dân số, phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuẩn hóa theo vị trí việc làm, đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động KH-CN, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo và phát triển kinh tế tri thức, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm khoa học có giá trị.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bạc Liêu, dù tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu vẫn còn là “vùng trũng” của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tương tự, tỉnh An Giang cũng đối mặt với thách thức như Bạc Liêu. Dù sở hữu đội ngũ trí thức KH-CN hùng hậu với gần 25.200 người có trình độ đại học và sau đại học, tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Thực trạng này ở Bạc Liêu và An Giang phản ánh phần nào tình hình nhân lực chất lượng cao ở khu vực ĐBSCL.

Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, ĐBSCL có dân số 17,46 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước và lực lượng lao động lên tới 10,5 triệu người. Tuy nhiên, chất lượng lao động lại là điểm yếu chí tử. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề chỉ đạt 14,5%, thấp nhất cả nước. Phân tích sâu hơn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ chỉ ra khoảng 7% dân số ĐBSCL có trình độ đại học, trong khi con số này của cả nước là 63%. Sự chênh lệch này cho thấy khoảng cách lớn về chất lượng nguồn nhân lực giữa ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Mạng lưới trường đại học, cao đẳng công lập và dân lập phủ khắp các tỉnh, thành phố trong vùng, song, số lượng sinh viên đại học vẫn còn hạn chế. Dù quy mô người học đã tăng từ 42.500 lên 149.700 trong 10 năm, nhưng tỷ lệ sinh viên chỉ chiếm hơn 8,2% tổng số sinh viên cả nước. Điều này cho thấy hệ thống giáo dục của vùng chưa phát huy hết tiềm năng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực trạng này kéo theo nguồn nhân lực KH-CN của vùng chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển. Giai đoạn 2022 - 2024, ĐBSCL có 64.926 người làm việc trong lĩnh vực KH-CN, với các trình độ khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 995 người làm việc tại các sở KH-CN, trong đó số lượng tiến sĩ và thạc sĩ còn hạn chế.

Không chỉ thiếu về số lượng và chất lượng, ĐBSCL còn đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” khi nguồn nhân lực KH-CN có xu hướng di cư lên các tỉnh Đông Nam Bộ để tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn. Điều này khiến vùng đất này ngày càng thiếu hụt nhân lực trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và quản lý kinh tế.

Thách thức từ hạ tầng chưa đồng bộ

ĐBSCL đang chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc phát triển cơ sở vật chất phục vụ KH-CN. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để khai thác tối đa tiềm năng của vùng. Nhiều phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu trong vùng còn thiếu trang thiết bị hiện đại, ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. Hệ thống thông tin KH-CN chưa được kết nối đồng bộ, gây khó khăn cho việc chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các đơn vị. Việc đầu tư tài chính cho KH-CN còn hạn chế.

Đầu tư cho KH-CN là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Ấy vậy mà tình hình đầu tư của vùng đối với lĩnh vực này trong giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Tổng kinh phí sự nghiệp KH-CN giai đoạn này do Trung ương cân đối cho 13 tỉnh, thành phố là 1.089.560 tỷ đồng. Điều đáng mừng là kinh phí được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt đạt 1.170.942 tỷ đồng, vượt 7% so với mức Trung ương thông báo. Điều này cho thấy sự quan tâm của các địa phương đối với lĩnh vực KH-CN. Song, sự phân bổ ngân sách lại có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An đã phê duyệt mức kinh phí cao hơn nhiều so với mức Trung ương thông báo, đạt từ 119 - 165%. Ngược lại, một số tỉnh như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang và Cần Thơ lại phân bổ mức kinh phí thấp hơn, từ 97% trở xuống. Sự chênh lệch này có thể phản ánh sự khác biệt về tiềm lực kinh tế, mức độ quan tâm của lãnh đạo địa phương, hoặc khả năng xây dựng và triển khai các dự án KH-CN.

Một khảo sát mới đây do Trường đại học Cần Thơ thực hiện, cho thấy, 28% người được hỏi đánh giá đầu tư cho KH-CN ở Cần Thơ và ĐBSCL “chưa đầy đủ, chưa thiết thực, chưa hiệu quả”, đây cũng là ý kiến có nhiều người tham gia khảo sát chọn nhất. Tỷ lệ này cao hơn 4 điểm phần trăm so với số người chọn câu trả lời “đầy đủ, thiết thực, hiệu quả”.

Nguyễn Quốc

Doanh nghiệp chủ động đầu tư

Trong khi việc đầu tư từ vốn từ ngân sách nhà nước cho phát triển KH-CN thì sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này đang trở thành điểm sáng, mang đến những tín hiệu tích cực.

Theo số liệu thống kê, tổng kinh phí đầu tư phát triển KH-CN trong vùng giai đoạn 2022 - 2024 do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt đạt 207,17 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách (xã hội hóa) đạt 510 tỷ đồng, cho thấy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào đầu tư KH-CN. Nhiều doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn đầu tư vào đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm mới. Như Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) đầu tư 50 tỷ đồng để đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Tập đoàn Việt - Úc (Bạc Liêu) đầu tư 110 tỷ đồng phát triển khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào nuôi trồng.

Những khoản đầu tư này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, như: thủy sản, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.