Chính trị
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2025 - 2030
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Khoa học và công nghệ - động lực then chốt phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
>>> Bài 3: Thách thức từ nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ
Bài cuối: Nắm bắt cơ hội, vươn mình trong kỷ nguyên số
Nghị quyết 57 (NQ 57) của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ và tích cực đối với sự phát triển KH-CN vùng ĐBSCL. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết được xem như “khoán 10 trong KH-CN” sẽ nâng cao được năng lực KH-CN của vùng, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái trong trồng lúa. Ảnh: N.Q
Thu hút và giữ chân nhân tài
Vấn đề cơ bản nhất vẫn là nhân lực và bài toán nguồn nhân lực KH-CN của ĐBSCL cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trước tiên phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nghề, bởi lẽ lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như lĩnh vực KH-CN đều là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với nhu cầu thị trường lao động sẽ tạo ra đội ngũ KH-CN đủ trình độ, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Cũng là vấn đề nhân lực, việc tiếp tục thực hiện chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, thông qua việc tạo môi trường làm việc tốt, cơ hội phát triển và chế độ đãi ngộ hấp dẫn cũng là giải pháp cần được chú trọng. Đồng chí Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn kiểm tra 1924 của Bộ Chính trị khi làm việc với 4 tỉnh: Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã nhấn mạnh: “Muốn có nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công NQ 57 thì không chỉ mời gọi người từ nơi khác đến làm việc, mà quan trọng phải giữ chân được những chuyên gia giỏi của quê hương ở lại xây dựng quê nhà”.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần không ngừng đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm phát triển mạnh hơn hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào KH-CN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, kỹ sư phát huy khả năng sáng tạo. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH-CN, học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển cũng như xây dựng một hệ sinh thái KH-CN năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức KH-CN hợp tác, chia sẻ thông tin và nguồn lực.
Ưu tiên đầu tư lĩnh vực KH-CN trọng điểm
Thực tế cho thấy, đầu tư cho KH-CN ở ĐBSCL còn nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để nâng cao hiệu quả. Đó là tăng cường hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương có tiềm lực kinh tế hạn chế; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng ngân sách KH-CN thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, cùng với đó là tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách…
Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc khuyến khích sự tham gia đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân là rất quan trọng, đồng thời cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động này. Nguồn vốn đầu tư cho KH-CN, cả từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, nên được ưu tiên cho các lĩnh vực KH-CN trọng điểm, có tiềm năng phát triển và đóng góp lớn cho KT-XH của vùng, như: nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản và năng lượng tái tạo. Đầu tư vào hạ tầng KH-CN cũng là yếu tố không thể thiếu, bao gồm việc xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin.
Với sự nỗ lực từ chính quyền, các tổ chức và người dân, ĐBSCL hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH-CN, tạo đà phát triển KT-XH bền vững.
Nguyễn Quốc
GS-TS Hà Thanh Toàn - Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ: Chú trọng đào tạo các ngành nghề mũi nhọn
Trong những năm tới, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Trường đại học Cần Thơ cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong khu vực kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, tạo điều kiện cho người học tiếp cận kiến thức, kỹ năng tiên tiến. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp, tạo kênh kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.
Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường, cần chú trọng đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua tăng cường sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Dành 2% ngân sách phát triển KH-CN
NQ 57 là bước đột phá rất quan trọng về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt đột phá về thể chế, mở ra thời cơ để một tỉnh còn khó khăn như Bạc Liêu làm cơ sở phát triển bứt phá, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tỉnh sẽ cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực (tài lực và nhân lực) cho lĩnh vực phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới. Hằng năm, cố gắng dành 2% ngân sách để thúc đẩy, phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác với tổ chức, đơn vị, nhà khoa học có tiềm năng, thế mạnh, chuyên môn sâu trong nghiên cứu, triển khai KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bạc Liêu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét đưa chương trình chuyển đổi số thành chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đối với một số tỉnh còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn kinh phí thực hiện.
TS. Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KH-CN TP. Cần Thơ: Sẵn sàng thí điểm các chính sách, giải pháp mới
Để thực hiện thắng lợi NQ 57, trong thời gian tới, với vai trò liên kết vùng và là trung tâm để định hướng phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, TP. Cần Thơ, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu cho thành phố kịp thời cụ thể hóa, triển khai các quy định pháp luật ngay khi Trung ương hoàn thiện thể chế theo tinh thần NQ 57. Để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH-CN trong doanh nghiệp, Cần Thơ sẽ có quy định chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên địa bàn đến năm 2030.
Từng bước nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật và đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại, phục vụ hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện, trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp KH-CN.
N.Q (lược ghi)
- Trang trọng lễ chào cờ đầu tháng 4/2025
- 830 thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đợt 1 - năm 2025
- Gần 200 học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy
- Bệnh viện Quân dân y tỉnh: Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, y đức đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, người dân
- Thường trực Chính phủ họp trực tuyến về tiến độ thi công cao tốc