Chính trị
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016)
Báo chí cách mạng Việt Nam - truyền thống vẻ vang, đồng hành cùng dân tộc
Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21/6/1925, đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam (ảnh tư liệu).
Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, báo chí cách mạng nước ta đã làm nên và khẳng định những truyền thống nổi bật.
Trước hết, đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đây là bản chất tốt đẹp của các thế hệ người làm báo cách mạng trước đây và hơn 22.000 hội viên nhà báo hiện nay.
Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (tháng 5/1950), khẳng định: Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình. Minh chứng cho điều này là sự đóng góp của hàng loạt tờ báo dòng báo chí cách mạng, sau năm 1925, như: Tờ báo đầu tiên của Đảng là tờ Tranh đấu (15/8/1930); tờ tạp chí đầu tiên của Đảng là Tạp chí Đỏ (5/8/1930); tờ báo đầu tiên của những người cộng sản ở Hỏa Lò (3/1930) là Tù nhân báo, sau đổi là Lao tù tạp chí; Việt Nam độc lập, Dân chúng (1938); Cờ giải phóng, Cứu quốc (1942 - 1945). Đây là những tờ báo có vai trò chủ lực tuyên truyền cách mạng trong thời kỳ hoạt động công khai nửa hợp pháp và hợp pháp, và cuối cùng báo chí cách mạng đã giành thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí ở miền Bắc và báo chí cách mạng ở miền Nam đã cùng quân dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Báo chí thời kỳ này đã tập trung phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân ta ở miền Nam và phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Báo chí cách mạng là đội quân chủ lực trong việc động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ miền Nam, trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thật sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đi đánh giặc Mỹ.
Thứ hai, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo anh dũng ngã xuống trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ nơi trận tuyến. Chỉ riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có hơn 250 nhà báo liệt sĩ.
Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi lũ lụt, vùng có dịch, trong cuộc chiến chống buôn lậu, ma túy… để kịp thời cung cấp cho công chúng những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự.
Thứ ba, báo chí cách mạng Việt Nam vừa sáng tạo, tự đổi mới, chủ động hội nhập, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bước ra từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong bối cảnh đất nước còn thiếu thốn trăm bề, nhưng đội ngũ nhà báo nước ta đã nhanh chóng trưởng thành về nghiệp vụ, chính trị. Đó là sự tiếp nối của thế hệ nhà báo xuất hiện trong thời kỳ hậu chiến đối với truyền thống anh hùng, đạo đức và kinh nghiệm của các thế hệ nhà báo đi trước. Nội dung thông tin ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn. Với thế hệ nhà báo trẻ được đào tạo hệ thống, cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, ngoại ngữ tốt, báo chí nước ta đã chủ động bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới.
Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không bị chệch hướng khi làm báo trong cơ chế thị trường. Mặc dù đâu đó có một vài nhà báo gây nhũng nhiễu, phiền toái cho doanh nghiệp, người dân, làm phiền lòng dư luận xã hội, nhưng tuyệt đại đa số nhà báo luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn được cái gốc đạo đức cách mạng trong hành nghề. Được hấp thụ truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập, được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, tin chắc rằng, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ cao cả của mình.
TS. TRẦN BÁ DUNG
- Cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng phân cấp, phân quyền và làm việc theo chế độ thủ trưởng
- Chuyển Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu về Báo Bạc Liêu
- Công bố môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026
- Bạc Liêu: Sôi nổi Ngày hội tòng quân năm 2025
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội