Ký ức cựu tù chính trị về Ngày Quốc khánh thời chiến

Thứ Tư, 31/08/2022 | 16:32

Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi bằng bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thành quả cách mạng vĩ đại của tinh thần đoàn kết, triệu triệu trái tim cùng chung nhịp đập của dân tộc Việt Nam. Dù không trực tiếp sống trong không khí hào hùng đó, nhưng đối với những cựu tù binh - tù chính trị (CTB-TCT) vẫn cảm nhận được khí thế ngút trời trong ngày Tết độc lập. Đây cũng chính là động lực để những người con ưu tú của dân tộc vẫn kiên trung trước sự tra tấn, giam cầm của địch trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

UBND tỉnh tổ chức họp mặt và tri ân các CTB-TCT trên địa bàn tỉnh.

TẾT ĐỘC LẬP THỜI CHIẾN

Sau Ngày Quốc khánh không bao lâu, đúng vào ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm miền Nam. Ngay lập tức, người dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Đến ngày 19/12/1946, hiệu lệnh “Toàn quốc kháng chiến” đã được người dân Việt Nam đồng loạt hưởng ứng với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dù đang sống trong cảnh đánh Pháp, đuổi Mỹ, nhưng những năm ấy, người dân miền Nam vẫn tổ chức các hoạt động sôi nổi vào dịp lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh hàng năm với nỗi khát khao hòa bình, thống nhất đất nước.

Ông Lê Tấn Thanh - Chủ tịch Hội CTB-TCT nhớ lại, lễ kỷ niệm Tết Độc lập năm 1964, khi đó ông mới 14 tuổi - là đội viên Đội Thiếu niên tiền phong địa phương - đã tham gia các hoạt động treo cờ, làm băng-rôn tuyên truyền Ngày Quốc khánh, truyền cho nhau nội dung bản Tuyên ngôn của Bác đã đọc… Dù địch vẫn rình rập, càn quét các hoạt động của dân ta nhưng không thể nào dập tắt được khí thế hừng hực từ những ngọn pháo sáng tự chế trong ngày lễ đặc biệt của dân tộc. “Hào hứng nhất là hình ảnh thanh thiếu nhi tay cầm cờ, vừa đi vừa hát: Bác Hồ đuốc sáng toàn dân/ Vui múa ca chúc thọ Bác luôn sống hoài…” - ông Lê Tấn Thanh kể trong niềm xúc động.

Ký ức đáng nhớ  nhất của ông Trần Hòa Móm - người con ưu tú của huyện Vĩnh Lợi, cựu tử tù năm xưa là về những ngày kỷ niệm Quốc khánh trong tù. Ông Móm kể, trong hơn 800 chiến sĩ cách mạng ta cùng bị bắt thì có hơn 600 người thành công trong việc “chống chào cờ địch”. Nhất là vào những ngày đặc biệt như lễ, tết của dân tộc, tại nhà tù Phú Quốc, bọn địch đã bắt tù chính trị phải đạp lên lá cờ Tổ quốc, nếu không sẽ bị quất 100 roi mây nước. Nhưng ông Móm và đồng đội đã nhanh trí quỳ xuống đội lá cờ lên đầu và lăn nhiều vòng trên mặt đất dù phải bị đánh.

Ông Lê Tấn Thanh - Chủ tịch Hội CTB-TCT tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên đán.

ĐỘNG LỰC CỦA NHỮNG NGƯỜI CON KIÊN TRUNG

Niềm tin tuyệt đối về con đường tất thắng của cách mạng từ bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ cứ âm vang mãi trong những ngày Tết độc lập thời chiến đã trở thành động lực rất lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung, những chiến sĩ bị tù đày, tra tấn dã man vượt “địa ngục trần gian” bằng lòng kiên trung, quyết không khuất phục trước kẻ thù.

Dù đã gần 90 tuổi, nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh khốc liệt trong bà Lâm Tú Nga (Tư Nga) vẫn vẹn nguyên như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà tham gia cách mạng năm 17 tuổi, với nhiệm vụ chuyển tài liệu mật, kết nối cán bộ, chiến sĩ… và tất nhiên luôn bị địch theo dõi và bị bắt. Bà Tư Nga nhớ lại, những lúc bị địch tra tấn dã man, bản thân bà không biết mình ngất đi từ khi nào vì dùi cui, điện chích, lúc tỉnh lại loáng thoáng nghe tên lính ngụy nói: “Nó tỉnh rồi, khỏi đưa vào bệnh viện, đưa nước cho nó uống”. Sau đó, địch chuyển bà qua nhà tù công an, được người bạn tù cầm bàn tay lên, lau chùi, tắm rửa thì bà mới biết mình còn sống sau một tháng uống nước cầm hơi. Những tưởng mọi chuyện sẽ ổn tại đây, nhưng chuỗi ngày “địa ngục trần gian” lại tiếp tục khi bọn địch chuyển bà ra “chuồng cọp” Côn Đảo.

Các CTB-TCT tại buổi họp mặt ôn lại truyền thống hàng năm.

Chính từ lòng yêu nước lớn lao ấy đã giúp bà Nga, ông Móm, ông Thanh và hàng vạn CTB-TCT ngày ấy thà chết rục xương chứ không đầu hàng, không khai báo cơ mật của quân ta. Và ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam đã được lưu danh tự hào trong trang sử nhân loại. Hơn 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 12.200 liệt sĩ, hơn 6.560 thương binh, gần 1.450 CTB-TCT là những người con ưu tú của tỉnh Bạc Liêu đã hy sinh tuổi xuân, nén đau thương mất mát người thân, thậm chí là không tiếc thân mình vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, các thế hệ hôm nay và mai sau vẫn sẽ luôn ghi nhớ và tri ân công lao của những thế hệ cha ông đã vì nước quên thân, vì độc lập, tự do của dân tộc.

Hội CTB-TCT tỉnh Bạc Liêu được thành lập với hơn 500 hội viên năm 2016 chính là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ dân tộc Việt Nam luôn giữ gìn và phát huy.

Trên thân thể vẫn còn đó những vết tích của chiến tranh; những người con yêu nước ưu tú ấy giờ tuổi đã cao, sức yếu, song họ luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với những ngày tháng oanh liệt đã qua: “Sống trong địa ngục kiên trung bất khuất/ Chiến thắng trở về tình nghĩa thủy chung”.

Bài và ảnh: HOÀNG UYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.