Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Ký ức một thời của thanh niên xung phong Bạc Liêu trên đất Lào
Những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều đoàn viên - thanh niên Bạc Liêu trong Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) Quyết thắng tại Lào đã góp phần giúp Lak Sao, từ một vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh chỉ có 8 bản, với mấy chục hộ dân, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn mọi thứ, từng bước phát triển đi lên, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Cam Kết, tỉnh Bolykhamxay.
Anh Trần Thanh Ninh - nguyên Đại đội trưởng Đại đội TNXP TX. Bạc Liêu thuộc Tổng đội TNXP Quyết thắng kể lại thời gian làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào.
GIÚP LÀO XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC
Thực hiện chủ trương của Trung ương giúp nước bạn Lào xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải cũ (nay là 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) đã nhiều lần làm việc với Công ty Bolisat Phatthana Khep Phudoi (Bộ Quốc phòng Lào) về việc hợp tác, giúp phát triển vùng cao nguyên Trung Lào, trung tâm là Lak Sao (thuộc huyện Cam Kết, tỉnh Bolykhamxay). Sau đó, lãnh đạo tỉnh giao Liên hiệp các Xí nghiệp xuất khẩu khai thác chế biến gỗ Minh Hải (Cimexcol Minh Hải) chịu trách nhiệm thực hiện chương trình hợp tác và chỉ đạo Tỉnh đoàn thành lập lực lượng TNXP đưa qua Lào thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của chương trình hợp tác.
Theo đó, tháng 10/1985, Liên đội TNXP Quyết thắng ra đời với 80 thành viên, do anh Ngô Dũng Liêm - Thường vụ Tỉnh đoàn, Tổng đội phó TNXP Minh Hải làm Liên đội trưởng. Tại TX. Bạc Liêu, Liên đội làm lễ xuất quân đến Lak Sao. Đến năm 1986, Liên đội TNXP Quyết thắng được đổi tên thành Tổng đội TNXP Quyết thắng.
Lak Sao có 8 bản, mỗi bản có khoảng 10 - 12 hộ dân, sống bằng nghề chăn nuôi, trồng bắp, khoai, cây thuốc phiện và săn bắt thú rừng. Bọn phỉ Vàng Pao hoạt động mạnh nên đơn vị TNXP phải cùng quân đội Lào mở 15 đợt truy quét trước khi tiếp tục đưa lực lượng sang. Sau đợt bổ sung lực lượng tháng 3/1987, đến tháng 11 cùng năm, Tổng đội đưa thêm 175 người; trong đó, huyện Hồng Dân có 46 người, TX. Bạc Liêu có 37 thanh niên (8 nữ, 4 đảng viên, 21 đoàn viên). Lực lượng TNXP TX. Bạc Liêu đi Lào do anh Trần Thanh Ninh - Thường vụ Thị đoàn và anh Tiêu Minh Đức - Ủy viên Ban Chấp hành Thị đoàn Bạc Liêu phụ trách.
Vợ chồng anh chị Trịnh Hữu Lộc - Quách Thị Tư là những cựu TNXP từng sang Lào làm nhiệm vụ 3 năm. Ảnh: N.Q
VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Từ TX. Bạc Liêu, lực lượng TNXP phải vượt chặng đường 2.000km để sang Lào. Trên hành trình đó có nhiều cung đường đèo dốc nguy hiểm, nhất là đèo Keo Nưa thuộc đường Tám của Trường Sơn, dài gần 90km. Nơi đơn vị đóng quân là khu vực khai thác gỗ, nằm sâu trong rừng, xa dân cư. Nếu đi đường rừng, cách bản gần nhất cũng từ 15 - 20km, cách Lâm trường Lak Sao gần 70km. Ngoài bọn phỉ Vàng Pao, nơi đây còn nhiều loài rắn độc, thú rừng nguy hiểm, đặc biệt là voi rừng. Độ cao nơi dựng lán trại so với mực nước biển từ 600 - 700m, mùa đông nhiệt độ trung bình 12oC, khi rét đậm nhiệt độ chỉ còn 3 - 4oC. Lực lượng TNXP là người Bạc Liêu - nơi chưa bao giờ thời tiết dưới 20oC nên việc chống chọi với cái rét như vậy vô cùng vất vả, thậm chí có người đốt lửa để sưởi ấm, sơ suất cháy cả chiếu, giường.
Anh Trần Thanh Ninh nhớ lại: “Chúng tôi qua Lào với nhiệm vụ giúp nước bạn xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, mở các tuyến đường dọc dải Trường Sơn Tây, từ Lak Sao đến Tà Khẹt (biên giới Lào - Thái Lan). Sau đó, rút về Lak Sao, tập trung khai thác nhựa thông, giao cho Nhà máy chế biến colophan Lak Sao. Và một nhiệm vụ quan trọng nữa là gây dựng tình cảm với người dân Lào để cùng nhau giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là đối phó với bọn phỉ Vàng Pao”.
Rừng thông của Lào thời điểm đó nhiều vô kể, “xoay lưng là đụng”, mỗi cây to đến 3 người ôm mới xuể. Chính vì vậy mà chỉ cần đi lạc nhau chừng 500m là có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Và trong một lần không may như thế, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (ngoài 20 tuổi) đã bị lạc đơn vị và mãi đến 1 tháng 7 ngày sau, anh Ninh cùng đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị trong tình trạng không nguyên vẹn. Nữ đoàn viên Phường 7 sau đó được đưa về quê nhà TX. Bạc Liêu an táng trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng đội!
Bên cạnh những nguy hiểm, khó khăn như: sốt rét rừng, thiếu thịt trong bữa ăn kéo dài khiến tay chân sưng…, cũng có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đó là học ngôn ngữ của nhau, hay vào những dịp kỷ niệm, “Việt Nam Tây” - cách gọi thân thương của bà con Lào dành cho lực lượng TNXP Minh Hải cùng người dân bản địa đốt lửa trại, uống rượu cần, múa lăm-vông. Đặc biệt, đã có 3 cặp đôi trong Đại đội TNXP TX. Bạc Liêu thắm duyên nhau, và đơn vị đã đứng ra tổ chức lễ cưới tập thể cho họ, trong đó có vợ chồng anh chị Trịnh Hữu Lộc - Quách Thị Tư (hiện ở phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Anh Trịnh Hữu Lộc chia sẻ: “Trên đường sang Lào, tôi đã quen em Tư cùng đại đội. Và một năm sau thì chúng tôi cưới nhau tại Lak Sao. Tôi thì khai thác gỗ, còn vợ tôi phục vụ cơm nước cho đơn vị”.
Lak Sao - trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Cam Kết (tỉnh Bolykhamxay, Lào). Ảnh: T.L
Tổng đội TNXP Quyết thắng tại Lak Sao đã góp phần giúp Lak Sao từ một vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh chỉ có vài bản, với mấy chục hộ dân, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn mọi thứ, từng bước phát triển đi lên, trở thành nơi trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện. Trong lực lượng TNXP Việt Nam sang giúp Lào năm xưa có những chàng trai, cô gái Bạc Liêu, họ đã cùng bồi đắp, tô thắm mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước láng giềng. Và tiếp nối truyền thống đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác với tỉnh Bolykhamxay của Lào, thúc đẩy hoạt động đối ngoại của địa phương.
NGUYỄN QUỐC