Kỳ vọng và tin tưởng Bạc Liêu sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn

Thứ Tư, 23/11/2016 | 16:07

(trích phát biểu tổng kết của đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội thảo khoa học “Bạc Liêu 20 năm - Một chặng đường phát triển”)

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: H.L

Tại hội thảo hôm nay, các đại biểu đã phân tích, đánh giá khách quan, khoa học với nhiều tư liệu, số liệu chứng minh trên từng lĩnh vực. Thông qua hội thảo, chúng ta có thêm cơ sở khoa học và cái nhìn tổng thể, toàn diện để khẳng định rằng: Bạc Liêu qua 20 năm tái lập là một chặng đường phát triển khá nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Sự khẳng định đó được thể hiện trên một số nét lớn sau:

Trước hết, đa số đại biểu đều thừa nhận rằng Bạc Liêu sau 20 năm tái lập đã có sự đổi thay rõ nét, đã khoác lên mình một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hôm nay các nhu cầu thiết yếu như điện, đường, chợ, cầu giao thông, nước sạch, trường học và cơ sở y tế đã được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và đời sống của người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và thủ tục hành chính luôn được cải cách, tạo được niềm tin, sự an tâm cho nhà đầu tư vào Bạc Liêu. Đồng thời nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đang được nhân rộng, đó là cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất tăng gấp 10 - 15 lần so với nuôi tôm công nghiệp bình thường và cũng có mô hình “cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo, thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn” đã được Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương nhân rộng…

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Bạc Liêu 20 năm - một chặng đường phát triển”. Ảnh: H.L

Từ hội thảo hôm nay, chúng ta đã nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị sâu sắc, có giá trị, mang tình cảm và sự tâm huyết của các nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, những người anh, người chị gắn bó và thấu hiểu quê hương Bạc Liêu. Các ý kiến của đại biểu và các bài tham luận đều thống nhất một số điểm chung nổi bật cho định hướng phát triển kinh tế của Bạc Liêu thời gian tới như lời của Tiến sĩ Nhị Lê: “Tiếp tục xây dựng thương hiệu kinh tế biển gắn với kinh tế nông nghiệp… song hành với phát triển theo chiều sâu kinh tế du lịch - ngành “công nghiệp không khói” - cấu thành nền tảng và là động lực chủ yếu để Bạc Liêu phát triển thịnh vượng và bền vững”.

Bạc Liêu có tiềm năng, thế mạnh và kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Vì vậy, sắp tới tỉnh phải quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là đầu tư hạ tầng điện, thủy lợi và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế biển. Tập trung thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; gắn phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp xanh, sạch và công nghiệp chế biến, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của hàng nông sản Bạc Liêu. Trước mắt khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện thành công đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và phấn đấu xây dựng “Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ; thành công của việc thực hiện chủ trương này sẽ tạo thêm một dấu ấn nữa rất riêng cho Bạc Liêu.

Đi đôi với phát triển kinh tế biển và nông nghiệp, Bạc Liêu phấn đấu đẩy mạnh phát triển du lịch. Trước mắt, khai thác có hiệu quả 8 điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh mang tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao, nhất là các sản phẩm độc đáo của Bạc Liêu như Nhà hát Cao Văn Lầu, Bảo tàng nghệ thuật Đờn ca tài tử, quần thể Quảng trường Hùng Vương, giai thoại công tử Bạc Liêu, điện gió… Tập trung đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ du lịch hướng đến chuyên nghiệp hơn. Phấn đấu đưa du lịch Bạc Liêu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng và trở thành trung tâm du lịch của vùng.

Trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn, Bạc Liêu sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như kinh tế biển, nông nghiệp, thủy sản, du lịch. Phát huy tối đa nội lực, huy động có hiệu quả ngoại lực và nhiều nguồn lực khác, nhất là sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Bạc Liêu không quên sự liên kết của vùng ĐBSCL, nhất là người anh em sinh đôi Cà Mau và người bạn kết nghĩa Ninh Bình để chúng ta có thêm nguồn lực thực hiện những định hướng phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới.

Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đối với những ngành nghề phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch của tỉnh, trước mắt là cho “khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”. Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có trình độ, năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh. Thu hút phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân của tỉnh kinh doanh năng động, có hiệu quả, có trách nhiệm và vì sự phát triển của quê hương Bạc Liêu.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Quan tâm đúng mức công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác vận động quần chúng. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn mới…

Mặc dù còn có những băn khoăn, trăn trở trước những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của Bạc Liêu, nhưng đa số ý kiến đều có điểm chung là “kỳ vọng và tin tưởng Bạc Liêu sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn”. Với nền tảng truyền thống cách mạng độc đáo của Bạc Liêu “hai lần giành chính quyền không đổ máu”, với bản sắc văn hóa của quê hương và những thành tựu đã đạt được từ 20 năm qua; cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, nhất là sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà sẽ phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh hơn, vào tốp khá của khu vực và tốp trung bình khá của cả nước, đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

(*) Tựa do Tòa soạn đặt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.