Lê Thị Cẩm Lệ: “Nữ hồng quân” kiên cường, bất khuất

Thứ Tư, 24/02/2016 | 15:29

Cái tên Lê Thị Cẩm Lệ đã không còn xa lạ với người dân Bạc Liêu, vì đó cũng là tên gọi của một ngôi trường THCS và con đường trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Để giúp người dân và thế hệ trẻ hiểu biết thêm, Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã tổ chức buổi hội thảo để thông tin và bàn luận về cuộc đời cùng những chiến công và sự hy sinh bất khuất của “nữ hồng quân” Lê Thị Cẩm Lệ.

Sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phong Thạnh (nay là xã Tân Phong, TX. Giá Rai), năm 1960, đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ bắt đầu tham gia cách mạng tại địa phương. Đến năm 1962, đồng chí đã phải đối mặt với nỗi đau tột cùng khi cha (ông Lê Kim Điện, công tác binh vận tỉnh) hy sinh.

Không chùn bước trước hiểm nguy, biến đau thương thành hành động, đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ đã hoạt động cách mạng hăng say hơn với quyết tâm đền ơn nước, báo thù nhà. Với tố chất và truyền thống cách mạng của gia đình, đồng chí được Bí thư Thị ủy Bạc Liêu vận động ra nội ô thị xã tham gia vào tổ chức biệt động mật. Với sự dũng cảm của con “nhà nòi”, sự khéo léo của người phụ nữ, đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ dễ dàng tiếp cận những nơi xung yếu của địch, nắm quy luật, hoạt động ở sân bay, tàu chiến của địch. Và chính đồng chí cũng đã đề xuất cho thị ủy nhiều cách đánh hay. Nhiều trận đánh ở nội ô thị xã làm địch hoang mang và lung lay ý chí đều có sự tham gia của đồng chí như: Trận đánh mìn tại sân bay Bạc Liêu; trận đánh trạm cảnh sát gần Nhà máy Hậu Giang; trận đánh chìm tàu sắt gần Cầu Quay (cầu Kim Sơn ngày nay)… tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Trước sự nguy hiểm và gan dạ của người nữ biệt động này, năm 1965, địch đã tìm cách bắt đồng chí. Dù bị tra tấn dã man nhưng với lòng kiên trung, giữ vững khí tiết, địch đã không khai thác được gì, cuối cùng chúng phải thả tự do cho đồng chí. Sau khi ra tù, đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ đã tìm cách liên lạc với tổ chức, tiếp tục hoạt động. Đến năm 1966, trong một lần nhận nhiệm vụ chở quả mìn nặng 70kg để đánh vào dinh quận Vĩnh Lợi, nhưng do lỗi kỹ thuật, đồng chí và 2 đồng đội khác đã hy sinh. “Nữ hồng quân” Lê Thị Cẩm Lệ hy sinh ở tuổi 26. Theo thông tin từ gia đình, dù có người qua dạm hỏi nhưng đồng chí đã từ chối với lý do phải hoàn thành nhiệm vụ đền ơn nước, báo thù nhà thì mới yên tâm tính chuyện riêng.

Buổi hội thảo diễn ra vô cùng xúc động khi có đại diện gia đình đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ, đại diện Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, lực lượng vũ trang, Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ… Nhiều ý kiến cho rằng buổi hội thảo cần được mở rộng hơn để nhiều đối tượng được tham gia, đặc biệt là học sinh - sinh viên, đoàn viên - thanh niên. Và thực tế cho thấy tư liệu về sự nghiệp đấu tranh của nữ anh hùng này, đặc biệt là các trận đánh được báo chí ngày xưa đăng tải rất hạn chế. Vì vậy, Hội Khoa học lịch sử tỉnh nói riêng, các địa phương nói chung cần sưu tầm và tìm kiếm thêm tư liệu để khắc họa rõ nét về hình ảnh của nhân vật lịch sử này.

Đàm Phát

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.