Lòng tự trọng với cán bộ, đảng viên

Thứ Tư, 09/12/2020 | 16:36

Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý, là giá trị của mỗi con người. Tự trọng là coi trọng và gìn giữ phẩm cách, danh dự của mình - theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt. Ông bà ta có câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”… cũng là để răn dạy việc gìn giữ phẩm cách - phẩm cách là “linh hồn” quán xuyến, bảo vệ giá trị con người. Lòng tự trọng được ví như cái “lim” giữ cho tâm trí thanh bạch, trong sáng, không làm điều trái với lương tâm…

Lòng tự trọng khi đặt vào vị trí của người cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) - những người là công bộc của dân, được Nhân dân nuôi nấng thì chuẩn mực tự trọng càng được nâng cao. Nó như là nghĩa vụ, trọng trách không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động phục vụ Nhân dân. Có như thế mới làm tròn sứ mệnh “đầy tớ” theo đúng nghĩa…

Vì sao lòng tự trọng của CB, ĐV cần được nâng cao? Vì lòng tự trọng gắn liền với tính trung thực. Người trung thực cũng là người có lòng tự trọng. Khi có lòng tự trọng thì con người ta - đặc biệt là CB, ĐV sẽ có lối sống trung thực (và “khép mình” vào lối sống trung thực) - có trung thực (trước hết là trung thực với bản thân, gia đình và xã hội) mới phụng sự một cách tốt nhất cho Tổ quốc và Nhân dân. Tính trung thực sẽ “uốn” CB, ĐV sống ngay thẳng, có tấm lòng trong sáng, minh bạch, rõ ràng. Người trung thực luôn mạnh dạn đấu tranh khi thấy sai, đồng thời tích cực khuyến khích, ủng hộ cho cái mới, cái đúng. Khi mắc lỗi, khuyết điểm, người có tính trung thực không trốn tránh, đổ lỗi cho người khác mà sẵn sàng nhận về mình và thành khẩn khắc phục, sửa chữa…

Ngược lại, nếu thiếu lòng tự trọng (thiếu trung thực), hoặc khi lòng tự trọng bị tha hóa sẽ sinh ra thói ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, ghen ăn tức ở… nhưng phẩm giá của mình thì sẵn sàng đánh đổi một cách không thương tiếc. Đã là người không biết coi trọng bản thân, không tôn trọng người khác thì rất khó tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, và vì vậy cũng rất dễ bị đào thải trong các môi trường lao động, học tập, làm việc…

Lòng tự trọng không chỉ được thể hiện khi đối diện với mọi người, với tập thể mà ngay cả khi chỉ có một mình, vẫn luôn nghĩ đến phẩm cách, giá trị của bản thân. Nói cách khác, họ là những người có đức, có tâm, có tư tưởng trong sáng, không làm điều xấu, điều ác, biết hòa đồng, biết kính trên nhường dưới. Trong đời sống không tham lam, thu vén của cải vật chất cho bản thân - nếu đó không là công sức do mình làm ra…

Tuy nhiên trong đời sống xã hội, trong bộ máy cơ quan nhà nước…, người tự trọng và kẻ không có lòng tự trọng luôn đan xen, pha trộn. Dù vậy, không phải không có cách để nhận biết. Kẻ thiếu lòng tự trọng thường không đi bằng đôi chân mà “đi bằng đầu gối” trước cấp trên (thượng đội, hạ đạp…). “Năng lực” thực tế có được là nhờ sống chùm gởi, dựa hơi những người có thế lực. Riêng việc xu nịnh, mánh khóe, chạy chọt thì thuộc dạng… “chuyên nghiệp” trên mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực: Trong tổ chức, bộ máy thì chạy chức, chạy quyền, chạy cơ cấu; Trong giáo dục - đào tạo thì chạy bằng cấp, chạy điểm; Trong kinh tế thì chạy dự án, suất đầu tư. Trong quan hệ công việc với công dân thì hạch sách, nhũng nhiễu…, nhưng công dân nào “không biết điều” thì… “hãy đợi đấy”!

Trong cơ chế kinh tế thị trường - mặt trái của nó đã bộc lộ nhiều tiêu cực. Đó cũng là nơi trú ngụ, núp bóng của những kẻ thiếu lòng tự trọng. Nhiều vụ việc tiêu cực, ăn xén, ăn bớt của Nhân dân - nhất là người nghèo, người yếu thế… chỉ nghe thôi đã thấy xót. Ấy vậy mà vẫn có CB, ĐV “vô tình”, vô tâm sách nhiễu đòi “bôi trơn”, “bồi dưỡng”, “chung chi” ngay khi họ “làm nhiệm vụ đầy tớ”, không đếm xỉa gì đến người nghèo, người yếu thế, người gặp nạn, kể cả ngay trong bão lũ, thiên tai… Cái gì “xén” được là xén! Đó là những nhức buốt có thật mà một bộ phận mang danh “đại diện chính quyền” ở một số nơi đã “hành động” mà báo chí liên tục chỉ mặt, điểm tên…

Có thể nói, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã làm chao đảo giá trị đạo đức, tinh thần vốn được coi là truyền thống. Hiện tượng suy thoái đạo đức trên nhiều lĩnh vực đang là mối quan tâm lo ngại - trong đó có lòng tự trọng của một bộ phận CB, ĐV bị tha hóa dẫn đến đánh mất nhân cách, phẩm chất của mình vì không vượt qua nổi sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền… mà sự khởi nguồn bắt đầu cũng từ chỗ: thiếu lòng tự trọng!

Xin được nhắc lại: Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý, là giá trị của mỗi con người. Không có lòng tự trọng, dĩ nhiên là… ngược lại?

Đến đây thì câu hỏi vì sao người CB, ĐV cần có lòng tự trọng, đã rõ. Bởi cốt lõi của lòng tự trọng là tính trung thực, là đạo đức, là văn minh, là lương tâm, nhân nghĩa. Và chỉ có lòng tự trọng, người CB, ĐV mới phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất - như đã nói. Lòng tự trọng có cơ sở từ tư tưởng nhân nghĩa, coi trọng phẩm cách và giá trị con người của mình nhưng mục đích là vì người khác. Nói cách khác, lòng tự trọng có bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn.

Không có lòng tự trọng - không phải là CB, ĐV!

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.