Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên: Tích cực giám sát việc hỗ trợ người dân

Thứ Sáu, 05/06/2020 | 17:47

Thực hiện hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp Mặt trận và tổ chức thành viên tỉnh Bạc Liêu đang làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội nhằm đảm bảo việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Qua đó cho thấy, sự vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ của các cấp MTTQ đã và đang góp phần bảo vệ sự công bằng trong việc triển khai các chính sách cho đối tượng thụ hưởng.

Huyện Phước Long tặng quà cho người bán vé số gặp khó khăn trong cuộc sống.

GIÁM SÁT TRỰC TIẾP, TOÀN DIỆN

Thời gian gần đây, cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã có mặt khắp các địa phương trong tỉnh để thực hiện vai trò giám sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Việc giám sát tập trung vào các nội dung như: việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; việc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020 (gọi tắt là người có công và gia đình chính sách).

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên còn tập trung giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Theo đó, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh tham gia giám sát ở tất cả các công đoạn thực hiện chính sách. Cụ thể ở Bạc Liêu, các đoàn giám sát đã được thành lập kể từ ngày đầu triển khai thực hiện Kế hoạch 52 của UBND tỉnh về hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (ngày 6/5/2020). Việc giám sát được thực hiện từ khi các địa phương bình nghị, lập danh sách, niêm yết danh sách đối tượng được hưởng chính sách, cả việc chi trả kinh phí hỗ trợ và giám sát sau khi hoàn tất việc chi trả để nắm bắt dư luận trong Nhân dân về chính sách hỗ trợ này.

Trong Hướng dẫn số 27, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát tại cộng đồng dân cư trong việc rà soát, lập danh sách và niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ tại nhà văn hóa ấp, khóm và trụ sở UBND cấp xã. Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm, ấp có quyền phản ánh những vướng mắc, bất cập (nếu có) với Chủ tịch UBND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Bạc Liêu giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: T.Đ

NGƯỜI DÂN THẤY ẤM LÒNG

Qua hoạt động giám sát, đối tượng được thụ hưởng cảm thấy ấm lòng khi đồng hành cùng với mình có cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Chị Sơn Thị Hường (đối tượng bảo trợ xã hội, ngụ ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Tôi rất hài lòng với sự quan tâm chia sẻ, động viên người dân của cán bộ Mặt trận trong lúc khó khăn này. Gia đình tôi rất biết ơn Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kịp thời”.

Là địa phương có danh sách đề nghị được hỗ trợ lên đến hàng ngàn người, ông Trần Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Bạc Liêu, cho biết hoạt động giám sát của Mặt trận được thực hiện theo phương pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tại 67 khóm, ấp để nghe dân nói, dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình; gặp gỡ cả những người đã được hỗ trợ và chưa được hỗ trợ trong gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tinh thần của đoàn giám sát không phải chủ yếu để “vạch lá tìm sâu” mà mục đích chính nhằm để giúp đỡ cơ sở thực hiện đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời, phát huy hiệu quả chính sách an sinh đầy tính nhân văn này. “Gần gũi người dân, chúng tôi thật sự cảm kích trước sự bao la tình người khi có những hộ gia đình từ chối được nhận số tiền chi trả 1,5 triệu đồng để nhường lại cho người gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng có số đông lao động tự do đang sốt ruột, trông ngóng từng ngày số tiền hỗ trợ để giải quyết khó khăn trong cuộc sống…”, ông Trần Ngọc Chiến, chia sẻ.

Làm trưởng đoàn giám sát cấp tỉnh, bà Phạm Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận xét, Ban công tác Mặt trận khóm, ấp và các tổ chức đoàn thể đang phát huy tốt vai trò phản biện xã hội, quyết tâm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật và những người yếu thế. Đoàn giám sát sẽ có nhiều đề xuất, kiến nghị đến các cấp chính quyền liên quan đến chính sách này.

Cũng qua giám sát, các đoàn giám sát nhận thấy, với một chính sách quá lớn và chưa từng có tiền lệ, trong khi thời gian triển khai quá gấp rút nên từ tỉnh đến cơ sở đều gặp lúng túng. Trong thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng do thiếu hướng dẫn cụ thể tiêu chí bình xét đối tượng nên ở cơ sở còn xảy ra tình trạng xét chọn không đúng với ngành nghề bị giảm sâu thu nhập. Cụ thể, trong số 33.000 người do các địa phương đề xuất hỗ trợ nằm ngoài danh mục 6 nhóm ngành nghề đã được liệt kê trong Kế hoạch 52 của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố buộc phải làm lại.

Với vai trò phản biện của mình, bà Linh cho biết, có 3 lý do dẫn đến việc chưa có một doanh nghiệp nào trong tỉnh có nhu cầu vay vốn để giải quyết khó khăn. Bên cạnh lý do định suất cho vay thấp, doanh nghiệp còn đủ khả năng duy trì hoạt động thì cho rằng điều kiện được hưởng chính sách quá khó nên họ từ bỏ ý định vay vốn.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ quy định danh sách tất cả các nhóm đối tượng trước khi gửi lên cấp trên thẩm định, phê duyệt đều phải có chữ ký của MTTQ mới được xem là hợp lệ. Tất cả những cách làm ấy đang cho thấy, sự vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ của các cấp MTTQ cùng các tổ chức thành viên đang góp phần tích cực bảo vệ sự công bằng và giá trị nhân văn trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ.                 

THU ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.