Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Mở cửa cho ngành “công nghiệp không khói” hội nhập và phát triển
Bắt nhịp với sự lên ngôi của ngành “công nghiệp không khói”, Bạc Liêu đã xác định phát triển du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ quyết sách này đã tạo bước đột phá đồng thời mở cửa cho du lịch Bạc Liêu hội nhập và phát triển…
Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam gặp gỡ trao đổi với các đại biểu dự hội nghị cấp cao liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Ảnh: H.T
Tạo thương hiệu từ tiềm năng sẵn có
Nhận thức tầm quan trọng của “nền kinh tế xanh”, thời gian qua, Bạc Liêu đã không thụ động ngồi chờ mà chủ động khai thác tiềm năng sẵn có, mời gọi các nhà đầu tư tâm huyết cùng Bạc Liêu dồn sức tạo dựng thương hiệu cho du lịch địa phương. Từ đó, các dự án văn hóa, du lịch mới được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến Bạc Liêu. Với 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực), Bạc Liêu tự hào sở hữu nhiều sản phẩm du lịch tạo thành thương hiệu trong khu vực và cả nước như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, Điện gió Bạc Liêu, Vườn nhãn, Khu Quán âm Phật đài, nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu du lịch Nhà Mát…; hạ tầng du lịch được cải thiện, tạo tiền đề cho du lịch Bạc Liêu phát triển.
Du khách tham quan Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Mặc dù so với khu vực và cả nước thì du lịch Bạc Liêu còn rất mới mẻ, nhưng ở vị thế của “người em út dễ thương” trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã biết phát huy những lợi thế của riêng mình nên đã có những bước sải dài và gặt hái được thành công bước đầu. Chỉ sau 7 năm (2011 - 2018), du lịch Bạc Liêu đã có bước phát triển khá, lượng khách tăng trung bình hàng năm khoảng 22%, tổng thu từ du lịch tăng trung bình 20%. Năm 2018, du khách đến Bạc Liêu đạt khoảng 1,8 triệu lượt (tăng hơn 3,5 lần so với năm 2011), đứng vị trí tốp trên so với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.600 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2011). Nhìn chung, sự phát triển của du lịch bước đầu đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; có sự chuyển biến dần về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân.
Hướng đến phát triển bền vững
Dù tạo được bước đột phá, đạt được những thành công bước đầu nhưng phải nhìn nhận một thực tế là du lịch Bạc Liêu vẫn đang là “người em út dễ thương” nên cần có thời gian để trưởng thành hơn, thành công hơn nữa thì mới đạt được mục tiêu kinh tế mũi nhọn của tỉnh một cách bền vững. Chính vì vậy, ngành chức năng cũng như các địa phương đã và đang tập trung rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch để có giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống không gian phát triển du lịch Bạc Liêu đã được quy hoạch ở một số cụm không gian tiêu biểu như: Không gian du lịch trung tâm TP. Bạc Liêu; không gian du lịch ven biển TP. Bạc Liêu; không gian du lịch vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh TP. Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải); không gian du lịch Giá Rai - Đông Hải; không gian du lịch Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long…
Biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C
Đồng thời, tỉnh cũng xác định cụ thể đâu là sản phẩm du lịch đặc thù, đâu là sản phẩm quan trọng, mang tính chất bổ trợ để có định hướng khai thác phát triển phù hợp, nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu. Chẳng hạn, tỉnh đã xác định tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt như: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật kiến trúc, văn hóa xung quanh quảng trường, đặc biệt là khai thác có hiệu quả Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá)…
Có thể nói, du lịch Bạc Liêu đang dần chiếm được cảm tình của du khách gần xa cả về không gian, sản phẩm du lịch đến ấn tượng đẹp về cốt cách, tâm hồn của người Bạc Liêu “thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình”. Đây chính là nền tảng vững chắc để thực hiện khát vọng xây dựng ngành “công nghiệp xanh” của tỉnh.
………………………………………..........................................................................................................................................................................
Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu cụ thể:
- Đến năm 2020 đón 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.
- Đến năm 2025, ngành Du lịch có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước; tổng doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng; toàn tỉnh có 15 điểm du lịch.
- Đến năm 2030, Bạc Liêu là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng; tổng doanh thu du lịch đạt 28.000 tỷ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động (20.000 lao động trực tiếp); toàn tỉnh có 20 điểm du lịch, 2 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận, trong đó có một khu du lịch được công nhận là khu du lịch quốc gia…
……………………………………………………........................................................................................................................................................
Hoàng Uyên
- Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ 2 và phiên bế mạc Hội nghị Trung ương khoá XIII
- Khai mạc triển lãm sách, báo xuân Ất Tỵ 2025
- Giá nước sinh hoạt năm 2025 tại TP. Bạc Liêu tăng 2 - 3%
- Trao quà tết và học bổng với chủ đề “Đánh thức ước mơ - Chào mùa Xuân mới” cho trẻ em khuyết tật
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thăm, chúc Tết các lực lượng vũ trang