Chính trị
Mô hình phát triển kinh tế trong Hội, đoàn thể huyện Phước Long: Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động
Xây dựng mô hình kinh tế bền vững, phát động phong trào thi đua sản xuất được các Hội, đoàn thể huyện Phước Long triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả, góp phần nâng chất hoạt động, thu hút hội viên đến với tổ chức Đoàn, Hội...
Hội cựu TNXP tỉnh tặng quà hội viên. Ảnh: X.T
Thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy Phước Long về tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã và đang nỗ lực tìm tòi học hỏi những mô hình sản xuất hiệu quả trong đầu tư phát triển nông nghiệp, tận dụng và huy động nguồn vốn giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất… Một số mô hình bước đầu đã mang lại tín hiệu đáng mừng, góp phần nâng cao mức sống của hội viên.
Tại ấp Phước Hòa A (thị trấn Phước Long), ông Dương Văn Đông được nhiều người biết đến nhờ nuôi thành công cá chẽm thương phẩm. Mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm của ông được địa phương tổ chức hội thảo đánh giá và nhân rộng cho nông dân áp dụng, được chủ vựa cá tại TP. HCM đến tận ao thu mua và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 70.000 đồng/kg. Khi cơ sở thu mua ký kết lâu dài, ông không còn lo ngại về số lượng đầu ra cũng như việc bị ép giá. Với 7 công đất nuôi theo mô hình quảng canh, ông Đông tận dụng nguồn cá phi tự sinh sản làm mồi cho cá chẽm, giảm chi phí đầu tư thức ăn. Theo kinh nghiệm cá nhân của ông Đông, đối với bất kỳ mặt hàng nông sản nào cũng vậy, khâu bao tiêu sản phẩm luôn là khâu quan trọng nhất, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Lương Minh Thiết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long, cho biết: “Theo lộ trình, huyện Phước Long sẽ đầu tư hơn 800 tỷ đồng để đưa Nghị quyết 05 đi vào đời sống. Ngoài các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các thành phần kinh tế, vốn nhân dân đầu tư cho sản xuất ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Cụ thể hóa chủ trương giúp dân làm giàu, UBND huyện Phước Long đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế hộ gia đình, phấn đấu mỗi hộ có một mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, trong đó, cán bộ, đảng viên phải là những người đóng vai trò tiên phong, gương mẫu”.
Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP) huyện cũng đã triển khai trong toàn hội viên phong trào cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021, phấn đấu đến năm 2018 có 90% cựu TNXP thuộc diện hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đến năm 2019 là 100%. Theo đó, Hội cựu TNXP đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân huyện xem xét cho hội viên vay vốn sản xuất; đồng thời phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư mở các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, giới thiệu các mô hình kinh tế cho hội viên. Đến nay, đã có 115 cựu TNXP đăng ký tham gia thi đua sản xuất phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, có 100 cựu TNXP thuộc các chi hội tham gia nuôi heo đất tiết kiệm nhằm hỗ trợ hội viên những lúc gặp khó khăn...
Các phong trào hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế cũng được các cấp Hội Phụ nữ huyện triển khai sâu rộng gắn với phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả như cải tạo vườn tạp, tận dụng đất trống… đến chị em, hội viên phụ nữ. Qua đăng ký tham gia thực hiện các mô hình, nhiều hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và ngày càng gắn bó hơn với tổ chức Hội.
T.A