Năm 2022: Thực hiện tốt “mục tiêu kép” gắn với tăng tốc và phát triển bền vững

Thứ Hai, 10/01/2022 | 15:34

Có thể nói, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, bởi nền kinh tế tỉnh nhà dự báo sẽ còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bản lĩnh, năng động và linh hoạt trong thích ứng, Bạc Liêu mạnh dạn đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 phải đạt từ 9 - 10%.

Công nhân làm việc tại Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu. Ảnh: T.A

NHIỀU BÀI HỌC QUÝ GIÁ

Năm qua, Bạc Liêu tuy có 9/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) chưa đạt kế hoạch đề ra (trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế), nhưng với kết quả đạt được đã phản ánh sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Do vậy, cần rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo và hun đúc thêm niềm tin, sức mạnh trong việc tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2022.

Một trong những bài học kinh nghiệm ấy chính là sự quyết liệt và thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là nhân tố cốt lõi mang tính quyết định và đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành “điểm sáng” của khu vực và cả nước về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong thu ngân sách năm 2021 được dự báo không hoàn thành kế hoạch đề ra, do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, thế nhưng tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 3.733 tỷ đồng, vượt 3,9% so với dự toán Trung ương giao và tăng 8,25% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh 2 nguồn thu truyền thống lớn nhất của tỉnh bị sụt giảm mạnh - đó là nguồn thu xổ số kiến thiết (do phải dừng phát hành vé số hơn 4 tháng) và nguồn thu từ Nhà máy bia Sài Gòn - Bạc Liêu (giảm sản lượng do nguồn tiêu thu sụt giảm mạnh), nhưng bù lại tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Với sự chỉ đạo đúng hướng này, đã giúp cho các nhà máy điện gió đóng điện vận hành thương mại và đóng góp hơn 10 ngàn tỷ đồng vào nền kinh tế, đảm bảo cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Một bài học kinh nghiệm khác nữa là Bạc Liêu luôn nêu cao tinh thần chủ động và không bất ngờ trước các diễn biến xấu từ đại dịch COVID-19. Đó là chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm theo từng mức độ dịch; đề cao kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện công vụ; tập trung tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…

Các kỹ sư vận hành các thiết bị tại trạm biến áp Nhà máy Điện gió KOSY Bạc Liêu.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN “MỤC TIÊU KÉP”

Theo kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” gắn với mục tiêu tăng tốc và phát triển bền vững. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện theo phương châm 16 chữ của Chính phủ đề ra cho năm nay là “đoàn kết, kỷ cương, chủ động, thích ứng, an toàn, hiệu quả, phục hồi, phát triển”.

Theo đó, Bạc Liêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9 - 10%, GRDP bình quân đầu người là 65,72 triệu đồng/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34.940 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) đạt 3.263 tỷ đồng, thành lập mới 350 - 400 doanh nghiệp và 30 hợp tác xã, sản lượng thủy sản 460.800 tấn, sản lượng lúa 1.225.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 920 triệu USD…

Để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao và mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. Phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, từng bước xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư và ngành Điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp cao thế. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án cấp điện nông thôn. Phấn đấu đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Phối hợp thực hiện công tác xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Tạo mọi điều kiện để kích thích phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Phát triển thương hiệu Việt và tích cực triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

KIM TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Chỉ đạo quyết liệt và có trọng trọng tâm, trọng điểm

 Năm 2021, Bạc Liêu phải mất nhiều thời gian, công sức cho công tác phòng, chống dịch, trong khi đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Năm 2022 này là năm thứ hai triển khai kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 thì nhiệm vụ của năm 2022 là hết sức quan trọng và nặng nề. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và thích ứng linh hoạt, cần chỉ đạo quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cần sớm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, làm cơ sở triển khai nội dung các công việc tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy nhanh việc triển khai thi công các hạng mục công trình quan trọng còn lại của dự án này. Cũng như quyết liệt triển khai phòng chống hạn mặn mùa khô 2021 - 2022 và tiếp tục phát triển các giống lúa chất lượng cao ST24, ST25.

Đối với phát triển các dự án năng lượng, quan trọng nhất là Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, do đây là dự án góp phần quyết định sự phát triển của tỉnh ta trong trung và dài hạn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã nêu. Hiện nay, dự án này còn một số vướng mắc về thủ tục như: nhóm vấn đề về chuyển giá khí LNG sang giá bán điện, bao tiêu sản lượng điện, bảo đảm đường dây truyền tải, đấu nối; nhóm vấn đề về chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng PPA... UBND tỉnh sẽ tích cực phối hợp với nhà đầu tư làm việc thêm với các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề còn vướng mắc này, cố gắng hoàn tất thủ tục để khởi công trong quý 2/2022 và hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (800MW) trong năm 2024.

Đối với lĩnh vực du lịch, cần triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả để phục hồi, phát triển du lịch, kích cầu du lịch. Đồng thời, phải thúc đẩy các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, nhất là hoàn tất giải phóng mặt bằng khu nhà Công tử Bạc Liêu để tổ chức đấu giá trong quý 2 và sớm triển khai thi công trong đầu quý 3/2022 với dự án này.

Riêng phát triển kinh tế biển cần phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn dài hạn trong phát triển lĩnh vực còn rất nhiều dư địa này. Bám sát các nội dung Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để cụ thể hóa trong điều kiện của tỉnh ta và triển khai thực hiện quyết liệt.

* Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Chí Nguyện: Tập trung tháo gỡ khó khăn và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 9 - 10%, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của UBND tỉnh. Đặc biệt là tận dụng, phát huy hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH khi Chính phủ ban hành.

Đối với khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), cần đẩy mạnh nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Phấn đấu khu vực I dự kiến tăng 5,5% so với năm 2021.

Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng (khu vực II), cần tạo mọi điều kiện để kích thích phát triển sản xuất công nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng trên từng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, nhất là công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách hiệu quả, kịp thời để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công trên 20 dự án trong năm 2022 gồm: các dự án điện gió, các dự án đầu tư của FLC, khu nuôi tôm công nghệ cao; nhà máy chế biến của Công ty Việt - Úc; các dự án nhà ở, khu đô thị mới... với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, để các dự án sớm hoàn thành, tạo năng lực tăng thêm, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho tỉnh và nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Phấn đấu khu vực II dự kiến tăng 13,8% so với năm 2021.

Đối với khu vực dịch vụ (khu vực III), cần phát triển, mở rộng mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng và quan tâm hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp du lịch gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kịp thời đáp ứng nhu cầu tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh. Phấn đấu khu vực III tăng 14,4% trở lên so với năm 2021.

* Giám đốc Sở Công thương - Phan Văn Sáu: Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất

Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng về tăng trưởng kinh tế năm 2022, về phát triển công nghiệp năng lượng cần duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió với tổng công suất trên 469MW. Cũng như tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn III, Nhật Bản - Bạc Liêu (Đông Hải 2).

Cùng với đó, tích cực triển khai các dự án theo Quy hoạch điện VIII khi được phê duyệt, với tổng công suất các nguồn điện dự kiến 9.340,6MW (điện gió 7.810,6MW, điện mặt trời 1.500MW và điện sinh khối 30MW). Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư và ngành Điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Sớm triển khai các dự án nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, nhằm đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Về phát huy thế mạnh của công nghiệp chế biến thủy sản và may mặc, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Thực hiện tốt các quy định về giảm giá điện, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng các nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu theo phương thức chính ngạch. Tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc trong sản xuất - kinh doanh. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư để huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, may mặc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là khu vực nông thôn…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.