Năm 2025: Huyện Phước Long - trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Quốc lộ 1A

Thứ Hai, 01/03/2021 | 15:39

Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) là nghị quyết về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết này đã mở ra những tiền đề và động lực mới cho vùng Bắc QL 1A phát triển và hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bạc Liêu.

Tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp là một trong những lợi thế cho Phước Long kết nối giao thương bằng đường thủy với các tỉnh của khu vực ĐBSCL.

SỰ LỰA CHỌN HỢP LÝ

Vùng sản xuất phía Bắc QL 1A bao gồm: TX. Giá Rai, các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Hồng Dân. Về mặt địa lý, huyện Phước Long nằm ở vị trí trung tâm các huyện, thị xã và được ví như “trái tim” của vùng Bắc QL 1A. Chính vị trí này đã tạo ra những lợi thế riêng cho huyện Phước Long liên kết với các địa phương và là “hạt nhân” trong việc phát huy vai trò trung tâm của mình. Phước Long cũng có khả năng kết nối với các địa phương của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ thông qua tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ. Qua đó tạo ra khả năng kết nối rộng khắp khi nhiều dự án giao thông trục dọc và trục ngang phát triển.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua Bạc Liêu đã dồn lực cho Phước Long đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nên hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, có các tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn như: Phước Long - Vĩnh Mỹ, Cầu Sập - Ninh Quới, Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền…; các tuyến đường ô tô về trung tâm các xã, đường liên xã, liên ấp, ngõ xóm thuận tiện cho lưu thông. Đặc biệt là tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp và tuyến kênh xáng Phụng Hiệp đi qua địa bàn dài trên 30km. Về định hướng quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, huyện Phước Long có nhiều tuyến đường huyết mạch, quan trọng của vùng ĐBSCL và của tỉnh đi qua địa bàn như: Tuyến cao tốc trục dọc từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau (riêng tuyến cao tốc trục ngang cửa khẩu Xà Xía - Hà Tiên - Hậu Giang - Bạc Liêu đi gần sát qua địa bàn huyện Phước Long), đường tỉnh ĐT.980 từ Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh, đường từ cầu Phước Long 2 đi Ba Đình nối với đường Hồ Chí Minh…; là huyện có lợi thế tốt nhất ở vùng Bắc QL 1A trong lĩnh vực này.

Về phát triển kinh tế, huyện Phước Long hội đủ các điều kiện và các yếu tố như: vùng ngọt ổn định chuyên sản xuất lúa và một số mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá, lúa - màu...; vùng chuyển đổi (lợ và mặn) chuyên nuôi tôm sú và thực hiện một số mô hình như: tôm - lúa, tôm - cua - cá, tôm - lúa - tôm càng xanh, rau màu... Với điều kiện sinh thái đặc thù tương đồng như các địa phương khác  tạo ra cơ hội cho Phước Long tập trung hàng nông, thủy sản của các địa phương để trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của cả vùng Bắc QL 1A.

Xuất phát từ những lợi thế này, việc xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc QL 1A là nhu cầu tất yếu và sẽ tạo ra khả năng kết nối cho cả vùng trong việc khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm trên đất lúa.

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

Để xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc QL 1A có nhiều việc phải làm, nhất là những định hướng mang tính chiến lược để địa phương này tạo ra đột phá và sức lan tỏa cho cả vùng. Một trong những đột phá ấy là xây dựng Phước Long trở thành trung tâm công nghiệp chế biến hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ của vùng Bắc mà sản phẩm chủ lực chính là “lúa thơm, tôm sạch”. Bởi, Bạc Liêu  đang tập trung phát triển và xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp cả nước thì không lý do gì không phát triển con tôm sạch mang thương hiệu Bạc Liêu để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Và đến nay, cả khu vực ĐBSCL chưa có một địa phương nào hình thành được khu sản xuất hàng hóa tập trung chuyên sản xuất tôm sạch như vùng phía Bắc QL 1A của Bạc Liêu. Mô hình lúa - tôm của các huyện Hồng Dân, TX. Giá Rai sẽ góp phần bổ sung nguồn lực để Phước Long phát huy thế mạnh này và góp phần hoàn thành mục tiêu đóng góp 50% vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Thậm chí, sẽ là 100% nếu như tất cả sản phẩm của vùng Bắc được liên kết theo mô hình chuỗi và đưa vào chế biến.

Theo các chuyên gia, muốn hoàn thành mục tiêu này, trước hết cần đầu tư xây dựng chợ hay trung tâm thu mua lúa gạo và con tôm cho huyện Phước Long với chức năng là chợ đầu mối. Làm được việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế tỉnh nhà và Bạc Liêu sẽ tăng thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách, giải quyết thêm nhiều việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn và hơn cả là khắc phục được tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu khi hàng chục năm qua con tôm, cây lúa của vùng Bắc cứ chạy sang các tỉnh khác và giúp cho doanh nghiệp các tỉnh này làm giàu, còn các doanh nghiệp của tỉnh thì luôn “khát tôm” vì không có nguồn nguyên liệu, đặc biệt là con tôm sinh thái nuôi trên đất lúa mang lại nhiều giá trị gia tăng cao.

Song, muốn phát triển công nghiệp chế biến, tỉnh cần khẩn trương đầu tư xây dựng hạ tầng cho cụm công nghiệp Chủ Chí, vì đã trải qua 3 nhiệm kỳ cụm công nghiệp này vẫn còn “bị treo” gây lãng phí tài nguyên đất và làm ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của nông dân. Cùng với đó, tỉnh cần ưu tiên những dự án động lực cho huyện Phước Long với chức năng tạo ra sức hút cho các dự án đầu tư khác vào. Cùng với các dự án phát triển kinh tế, cũng cần có các dự án xã hội khác như xây dựng bệnh viện chất lượng cao phục cho các địa phương vùng Bắc QL 1A và các tỉnh giáp với Bạc Liêu thay vì phải phải vượt tuyến lên TP. Cần Thơ hay TP. Hồ Chí Minh… Hay xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm du lịch của vùng Bắc với các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch “địa chỉ đỏ”… thông qua kết nối với các công ty du lịch lữ hành trong, ngoài nước.

Với những nhiệm vụ quan trọng trên, phải khẳng định rằng, với nguồn lực vốn có, Đảng bộ, Nhân dân Phước Long không thể tự mình xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc QL 1A mà cần sự vào cuộc góp sức, hiến kế và đề xuất giải pháp của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác định hướng, quy hoạch, phân kỳ đầu tư và ưu tiên nguồn lực đầu tư. Do vậy, Phước Long đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương phối - kết hợp chặt chẽ với huyện trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho từng giai đoạn và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc. Qua đó, có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo ra những tiền đề trong việc xây dựng và hình thành nên những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

LƯ DŨNG

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa ST 24. Ảnh: L.D

Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc QL 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nêu mục tiêu chung là:

Đến năm 2025, huyện Phước Long cơ bản hội đủ các điều kiện, hoàn thiện về kết cấu hạ tầng: Phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, tôm sạch, tôm công nghệ cao...) đảm bảo hiệu quả và bền vững; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện phát triển của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội; Chất lượng giáo dục - đào tạo cho từng cấp học từng bước có thứ hạng cao; Phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiện đại, phục vụ khám chữa bệnh trong khu vực; Bảo vệ tốt môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc, ổn định, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội đảm bảo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Trong phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Đến năm 2030 thật sự là trung tâm phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các vùng lân cận, có cơ cấu kinh tế tích cực, đảm bảo bền vững; là đầu mối liên kết các địa phương trong vùng Bắc QL 1A; tỷ lệ phát triển đô thị hóa cao, nông nghiệp liên kết chặt chẽ, nông thôn mới phát triển theo chiều sâu; huyện vừa có khả năng thu hút, lan tỏa, vừa là động lực, là hình mẫu thúc đẩy sự phát triển của các địa phương lân cận; là trung tâm trung chuyển, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của khu vực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo hiện đại.

Ông Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện ủy Phước Long: Chung sức chung lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01

Để huyện Phước Long đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc QL 1A, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu trên phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phải có lộ trình, có sự kết hợp chặt chẽ tất cả các nguồn lực.

Riêng trong năm 2021, Đảng bộ huyện Phước Long sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, vì muốn phát triển trước hết phải hoàn thiện công tác này một cách cụ thể, lâu dài, ổn định, có tính khả thi, tính kế thừa. Đối với huyện Phước Long phải quy hoạch lại các vùng sản xuất (thủy lợi, ô đê bao khép kín), quy hoạch mở rộng trung tâm các xã, thị trấn dọc theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện đến năm 2030 và 2050.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong năm 2021 phải rà soát, đánh giá song song với công tác quy hoạch, cân đối nguồn lực của huyện để xin chủ trương hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

Mặt khác, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, trọng tâm là phát triển nông nghiệp. Xác định lại cơ cấu nông nghiệp ở tỷ lệ phù hợp với huyện để tập trung phát triển sản xuất 2 vùng ngọt - mặn đồng bộ; ưu tiên vùng mặn phát triển tôm - lúa theo chiều sâu tăng giá trị sản xuất.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2021, để góp phần xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc là hoàn thành xây dựng Phước Long trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025, với định hướng chính là nâng cao đời sống người dân, mục tiêu năm 2021 là xây dựng được 2 xã điểm đạt nông thôn mới kiểu mẫu (Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây), công nhận một đơn vị xã đạt đô thị loại V và hoàn thành một số tuyến đường hoa kiểng kiểu mẫu của huyện.

Ngoài ra, để phát huy lợi thế về giao thông và tạo ra khả năng kết nối giữa các địa phương, huyện Phước Long kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, xây dựng 2 tuyến Phước Long - Ba Đình, Phó Sinh - Cạnh Đền để đấu nối vào đường Hồ Chí Minh, tạo nút giao thông quan trọng, là điểm trung chuyển hàng hóa cho 3 trung tâm kinh tế của huyện (thị trấn Phước Long, Phó Sinh, Chủ Chí). Lập quy hoạch phải ưu tiên quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông dài hạn, gắn với lợi ích người dân. Nhất là các tuyến giao thông liên kết vùng và các tuyến giao thông liên kết nội tỉnh như: Phước Long - Hồng Dân, Phước Long - Giá Rai, Phước Long - Bạc Liêu, các tuyến giao thông chính giữa các trung tâm kinh tế của huyện như thị trấn Phước Long - Phó Sinh, Phó Sinh - Chủ Chí nối với Cà Mau, củng cố mở rộng các tuyến giao thông chính liên xã, thị trấn…

Để xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc QL 1A, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng; đồng thời dấy lên phong trào thi đua với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.