Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Nêu cao khát vọng vì một Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững
Sau 25 năm tái lập, Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu quan trọng và đứng trong tốp đầu của khu vực về tăng trưởng kinh tế. Thành tích đáng tự hào này đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và quân, dân tỉnh nhà. Trong đó, khát vọng và quyết tâm tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu xuyên suốt qua các nhiệm kỳ.
Phát triển năng lượng sạch - một trong những thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu. Trong ảnh: Trạm biến áp Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu. Ảnh: K.T
BỨT PHÁ NGOẠN MỤC
Nhìn lại bức tranh tăng trưởng sau 25 năm tái lập, xây dựng và phát triển tỉnh nhà mới thấy hết sự nỗ lực và thi đua không ngừng của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, Bạc Liêu luôn nằm trong tốp phát triển chậm và yếu kém của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Thậm chí, đến năm 2017, nghĩa là sau 20 năm tái lập, Bạc Liêu vẫn còn xếp thứ 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL (chỉ đứng trên tỉnh Hậu Giang). Trong đó, các tỉnh tốp đầu như Cần Thơ, Long An, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang đều có GRDP gấp từ 2 - 3 lần tỉnh Bạc Liêu. Bình quân giá trị GRDP năm 2017 của toàn vùng ĐBSCL là 42.017 tỷ đồng, trong khi Bạc Liêu giai đoạn này chỉ có 24.188 tỷ đồng. Trong đó có những giai đoạn Bạc Liêu không thu hút được dự án động lực nào cho tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp, sản phẩm cạnh tranh không cao và gần như không tạo được giá trị gia tăng…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bạc Liêu đã tạo nên những bứt phá ngoạn mục trong tăng trưởng kinh tế, từ vị trí nằm cuối bảng xếp hạng tăng lên tốp trung bình khá, tốp khá và đến nay là dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Cụ thể năm 2021, dù Bạc Liêu phải liên tiếp đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là từ đại dịch COVID-19, nhưng về tăng trưởng kinh tế, Bạc Liêu xếp thứ 1/13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL và xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng: khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41,78%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,53% và dịch vụ chiếm 32,68% trong GRDP và GRDP bình quân đầu người đạt gần 95 triệu đồng/năm. Trong đó, công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không ngừng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh được xác định là nền tảng tạo nên những “bệ phóng” cho Bạc Liêu tăng trưởng nhanh, nhất là tập trung thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gắn với thu hút các dự án động lực. Như năm 2021, Bạc Liêu đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án. Trong đó có 11 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 9.851 tỷ đồng và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.316 USD. Đến thời điểm hiện nay, Bạc Liêu đã thu hút đầu tư được 173 dự án; trong đó có 157 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 50.921,52 tỷ đồng và 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,489 tỷ USD.
Từ những con số cụ thể trên cho thấy, tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Bạc Liêu tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đặc biệt, trong năm có 7 dự án điện gió được hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh lên 8 dự án, với tổng công suất trên 469MW. Dự án Điện khí LNG đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công việc giai đoạn phát triển dự án, từng bước góp phần xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước…
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan thì nền kinh tế tỉnh nhà quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, dễ bị tác động, chi phối và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu và hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến tái cấu trúc, vì vậy cần cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững, nhất là các vấn đề về khai thác tài nguyên, nguồn lực, môi trường…
Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao của Công ty cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu. Ảnh: H.T
QUYẾT TÂM PHÁT TRIỂN NHANH
Phát huy những thành tích đã đạt được và nêu cao “khát vọng” vì một Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, năm 2022 Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết. Đồng thời, quyết tâm tăng tốc thông qua đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh đã xác định. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước xây dựng, phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở khu vực ĐBSCL và cả nước. Tiếp tục phát triển kinh tế biển, nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy, hải sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng hiệu quả và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; gắn kết giữa người sản xuất muối chất lượng cao với các nhà máy chế biến. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án đầu tư công, quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
KIM TRUNG
- Trao tặng Huy hiệu Đảng cho 40 đảng viên
- Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt báo chí mừng Xuân Ất Tỵ 2025
- TP. Bạc Liêu: Bàn giao 27 căn nhà và tặng 100 suất quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Hội Nông dân tỉnh: Trao tặng 170 suất quà Tết tại huyện Phước Long và TX. Giá Rai
- Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 1/2025