Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Ngày làm việc thứ 4, Quốc hội thảo luận thêm nhiều dự luật
(BL-KP) Trong ngày làm việc thứ 4 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật; thảo luận trực tuyến về các báo cáo phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng.
Quang cảnh buổi thảo luận của các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu ngày 23/10 tại Bạc Liêu.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Tại Bạc Liêu, Đại biểu Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ về 2 dự luật này.
Đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ý kiến thảo luận.
Đối với Luật Điện ảnh, đại biểu Lữ Văn Hùng cho rằng, việc quản lý hoạt động điện ảnh hiện nay chưa chặt chẽ, rất nhiều nội dung phim nhạy cảm tràn lan trên mạng, đề nghị khi ban hành Luật cần quan tâm đến vấn đề này. Còn đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thì bày tỏ sự quan tâm nhiều đến tính thương mại của các tác phẩm điện ảnh. Làm sao để hài hòa một tác phẩm điện ảnh vừa ở góc độ tác phẩm văn học nghệ thuật, đảm bảo là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao; vừa như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp mang yếu tố thương mại.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng cho biết một số nhà làm phim đang thực sự lo ngại về Khoản 1, Điều 11, Luật Điện ảnh qui định về các điều cấm. Các chuyên gia này cho rằng, trong đây vẫn còn có những qui định mơ hồ, dễ suy diễn, mà các tác phẩm nghệ thuật thì sự đánh giá không đơn giản chỉ từ 1 người, hay một nhóm người, rất khó trong phán xét.
Đối với Luật Thi đua khen thưởng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị giữ nguyên quy định về việc khen thưởng đột xuất, vì đây là sự động viên kịp thời. Bổ sung tiêu chuẩn tặng huân chương lao động, có thể nghiên cứu một nhiệm kỳ 2 lần. Đồng thời xem xét tỷ lệ 15% trong khen thưởng vì tỷ lệ này còn rất hạn chế, cần quy định thoáng hơn.
Đồng quan điểm với đại biểu Lữ Văn Hùng, đại biểu Nguyễn Huy Thái tiếp tục đề nghị, khi sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng, cần đặc biệt chú ý đến việc tạo động lực, thông qua phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Cụ thể, hiện nay việc phát động thi đua còn hình thức, có khi không tạo ấn tượng, chưa gây dấu ấn trong đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của nội dung phát động thi đua và thực hiện phong trào thi đua. Việc bình xét còn gò bó, khô khan; còn theo cảm tính (cuối năm là nhiều cơ quan, đơn vị căng thẳng với các cuộc họp bình xét thi đua).
Nhưng cũng có không ít nơi, việc bình xét chỉ mang tính chiếu lệ, đến hẹn lại lên, không thật sự thu hút, thậm chí bản thân đại biểu còn nghe một vài cử tri phản ứng “dị ứng” với các hoạt động Thi đua khen thưởng. Đây thật sự là điều đáng tiếc, và cũng cần phải được xem xét thấu đáo. Bên cạnh đó, hình thức trao thưởng chưa được chú trọng. Nhiều nơi chỉ tổ chức qua loa chiếu lệ; hình thức Bằng khen, hiện vật khen cũng cần được lưu ý để mang tính chất trân trọng, lưu niệm, tôn vinh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận.
Đối với danh hiệu NSUT, NSND, các đại biểu của đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đều cho rằng, qui định chỉ trao cho Nghệ sĩ biểu diễn, không trao cho Nghệ sĩ sáng tác là chưa phù hợp. Cũng theo đại biểu Huy Thái, rất nhiều nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của các nghệ sĩ biểu diễn. Do đó, các đại biểu thống nhất cho rằng, cần thiết phải xét trao danh hiệu NSUT, NSND cho giới nghệ sĩ sáng tác, có đủ điều kiện, là tâm huyết của giới văn nghệ sĩ Bạc Liêu và nhiều văn nghệ sĩ khác.
Các ĐBQH tỉnh cũng thống nhất tán thành việc khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang”. Vì TNXP Việt Nam là một hình thái tổ chức đặc biệt, gắn với 2 thời kỳ kháng chiến, không thể so sánh với lực lượng nào. Lực lượng TNXP vừa thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, chuyển thương, phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu. Do đó, bên cạnh tôn vinh, ghi nhận cống hiến của các thế hệ TNXP Việt Nam trong kháng chiến, việc khen thưởng này còn khích lệ phong trào TNTN ngày nay.
Chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Tin, ảnh: K.P