Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Nghị quyết 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Nâng tầm giá trị hàng nông sản
Với quyết tâm khai thác và tạo nên những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đây được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược góp phần thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước.
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Công ty Việt Úc - Bạc Liêu.
TẠO SỨC BẬT CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết 03 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ sự chỉ đạo quyết liệt này, nhiều mô hình sản xuất mới đã ra đời, trong đó việc phát triển các mô hình ứng dụng CNC trong nuôi trồng thủy sản từng bước được nhân rộng. Bạc Liêu đã xây dựng được các mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ. Việc đẩy mạnh và tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp với nông dân thực hiện theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương…
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là CNC vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế và chủ yếu tập trung ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, còn việc ứng dụng trong nông dân chưa nhiều. Hiệu quả kinh tế và thu nhập trên cùng một diện tích đất nông nghiệp của tỉnh chưa cao, chưa khai thác hết các tiềm năng vốn có từ tài nguyên đất, trong đó thu nhập của nông dân chủ yếu dựa vào diện tích sản xuất lớn. Việc định hướng, tổ chức sản xuất, liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trong dân còn chậm, chưa theo kịp xu thế phát triển, tình trạng phá vỡ các hợp đồng trong liên kết còn xảy ra. Hình thức, quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và thiếu liên kết, hợp tác nên chưa tạo được sức mạnh trong sản xuất hàng hóa lớn, hàng hóa cạnh tranh và chủ động ký kết các đơn hàng cung cấp cho các doanh nghiệp lớn. Chưa thật sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường, xây dựng thương hiệu, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Với những hạn chế, bất cập trên, rất cần một Nghị quyết tạo thêm sức bật mới trong thu hút các nguồn lực đầu tư. Trong đó, phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp bức thiết để giải quyết kịp thời các khó khăn, thách thức do thực tiễn đặt ra hiện nay khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp.
Nông dân huyện Hồng Dân trúng mùa tôm trên đất lúa. Ảnh: L.D
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
So với những nghị quyết trước đây, Nghị quyết 06 đã chỉ ra nhiều nội dung quan trọng và có tính chiến lược trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động về vị trí, tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đối với quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và đảm bảo các yêu cầu, quy định về chất lượng sản phẩm theo thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trong quá trình hội nhập.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung xác định rõ từng vùng, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao (lúa Một bụi đỏ, Tài nguyên, ST24, ST25...); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng sản xuất luân canh lúa - tôm tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A; vùng sản xuất rau màu, vùng trồng cây ăn trái (thanh nhãn Bạc Liêu); vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng; vùng sản xuất muối chất lượng cao… tại khu vực phía Nam Quốc lộ 1A.
Song song đó, ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và phát huy vai trò kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp CNC. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông... phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu để thu hút doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thủy sản, hoạt động nghiên cứu, trình diễn ứng dụng CNC. Khẩn trương đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm ứng dụng CNC trong Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất tôm giống, kể cả tôm bố mẹ chất lượng cao, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào giống nhập ngoại. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp CNC; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và tạo kênh phân phối trong lĩnh vực nông nghiệp CNC.
Đặc biệt là căn cứ tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực đặc thù, nghiên cứu chọn lựa công nghệ mới, phù hợp thực tiễn sản xuất để đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Một số công nghệ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin 4.0; công nghệ tự động hóa; công nghệ nhà kín, nhà lưới; công nghệ nano; công nghệ quan trắc môi trường; công nghệ trong vận chuyển, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Tăng cường hợp tác với các viện, trường, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu chọn lựa công nghệ mới để áp dụng cho từng lĩnh vực, quy trình sản xuất. Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia, nhất là nông dân sản xuất trực tiếp có đủ năng lực quản lý, phát triển nông nghiệp CNC cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm đào tạo và thu hút cán bộ, chuyên gia có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước về các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, công nghệ chế biến, bảo quản, cơ khí, công nghệ thông tin...
Với những giải pháp quan trọng trên, Nghị quyết 06 chắc chắn sẽ tạo nên động lực to lớn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị, năng lực cạnh tranh. Đồng thời tăng tính chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thích nghi và sống chung.
KIM TRUNG
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6%/năm.
- Có ít nhất 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), tương đương 47.200ha (trong đó, sản xuất thủy sản 27.200ha, sản lượng 122.288 tấn; sản xuất lúa 20.000ha, sản lượng 276.200 tấn); tăng hiệu quả kinh tế trên 1ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong một vụ sản xuất có ứng dụng CNC ít nhất 30% trở lên so với thời điểm 2020.
- Phấn đấu mỗi huyện, thị xã và thành phố có ít nhất một mô hình/vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt chuẩn về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sản xuất hữu cơ...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thích ứng với biến đổi khí hậu vừa mang tính cấp bách, vừa là mục tiêu và chiến lược lâu dài
Để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU. Nghị quyết tiếp tục xác định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa là mục tiêu, chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, trong đó ngành Nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt.
Không chỉ thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là giải pháp đột phá trong chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là khu vực nông thôn.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ lựa chọn, mạnh dạn đưa công nghệ mới vào quy trình sản xuất cho từng vùng sinh thái đảm bảo phù hợp đối tượng cây trồng - vật nuôi, trọng tâm là tôm và lúa ứng dụng CNC, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của Nghị quyết xác định phát triển con tôm là sản phẩm chủ lực, là kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến về tôm và là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Kiên định mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ môi trường
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 06, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận 64, ngày 28/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18, ngày 24/1/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và các chuyên gia nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường. Trước mắt là phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu các mô hình nuôi thân thiện với môi trường, ít thay nước, ít sử dụng hóa chất, hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường trong thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 06 đề ra với con tôm là sản phẩm chủ lực, đặc biệt là kiên định mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn chặt với BVMT, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhanh mà thiếu bền vững.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật BVMT. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về BVMT trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp CNC. Tăng cường các giải pháp về phi công trình trong ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, công tác quan trắc, giám sát môi trường phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Ông Phạm Hoàng Minh - Giám đốc Ban quản lý Khu công nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu: Phát triển CNC là giải pháp then chốt, trọng tâm cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện
Có thể nói, sự ra đời của Nghị quyết 06 là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi Bạc Liêu xác định ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp CNC. Đây cũng là giải pháp then chốt, trọng tâm cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đang là xu hướng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Không chỉ thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong các giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là giải quyết bài toán “cực đoan” về biến đổi khí hậu..., phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Mặt khác, nông nghiệp CNC còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản…
Hiện Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu đã xây dựng hạ tầng kỹ giai đoạn 1 và đang tuyển chọn các doanh nghiệp vào đầu tư trình diễn. Đến nay, đã tuyển chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp gồm các lĩnh vực: trình diễn quy trình nuôi tôm CNC, trình diễn chế phẩm sinh học, trình diễn sản xuất giống, trình diễn thức ăn tôm và thiết bị phụ trợ trong nuôi tôm CNC…
Tham gia đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, các doanh nghiệp sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ (theo Luật CNC)…
L.D (thực hiện)
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân
- Bộ CHQS tỉnh: Tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ năm 2025
- Thăm và chúc Tết các Sư đoàn, Lữ đoàn trên địa bàn Quân khu 9