Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI): Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ Tư, 23/03/2022 | 19:52

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng đã xác định phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ Đại hội và trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng xác định phải ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân tỉnh Bạc Liêu.

Như vậy, việc Nghị quyết 12 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là bước quan trọng đầu tiên để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đi vào cuộc sống. Mặt khác, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn là một yêu cầu tất yếu; một đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển, chỉ định cán bộ giữ chức lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình. Ảnh: H.T

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC

Toàn tỉnh hiện có 15.854 cán bộ, công chức, viên chức; hầu hết được đào tạo chuẩn hóa theo vị trí việc làm. Đối với lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên là 527.365 người (chiếm tỷ lệ 57,73%/tổng dân số), tỷ lệ lao động qua đào tạo 64,98%. Những số liệu này cho thấy, nguồn nhân lực của tỉnh đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhất là việc chuẩn hóa về đào tạo bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  và đào tạo nghề đối với lao động phổ thông.

Tuy nhiên, xét về mặt thực tế và so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng thì nguồn nhân lực của chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, nghị quyết đã nêu một số hạn chế chủ yếu như năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu; Kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng ngoại ngữ để làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế còn hạn chế. Một số nơi còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ, công chức; còn một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ...

Về lực lượng lao động, một số lượng lớn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm phải đi làm ăn xa ngoài tỉnh; đa số lao động làm việc trong các ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm truyền thống.

NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Từ những yêu cầu và thực trạng tình hình nêu trên, Nghị quyết 12 đề ra các mục tiêu chung, trong đó xác định tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Cụ thể là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực then chốt, trụ cột của tỉnh.

Tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện được hai nhiệm vụ này, Nghị quyết 12 đề ra các giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhất là các quy định về nêu gương trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở.

Nghị quyết cũng nêu vấn đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Chính vì vậy, Nghị quyết xác định nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đầu tiên là phải: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (nghĩa là phải có tâm và có tầm). Tâm và tầm thực chất chính là đạo đức và tài năng. Càng là cán bộ cấp cao thì càng đòi hỏi cao hơn về hai yếu tố này.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp; bố trí, sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường; mạnh dạn thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm và uy tín thấp... Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhất là các lĩnh vực đang thiếu; quan tâm tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Xây dựng quy chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong tỉnh, ngoài tỉnh về phục vụ địa phương lâu dài.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyển, xét tuyển và đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm việc tổ chức thi tuyển chức danh phó giám đốc sở và tương đương, trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc sở, huyện để tìm chọn những nhân tố mới đủ năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn thuộc đối tượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới quy trình, phương pháp và nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng các quy định;

Một nhiệm vụ cũng vô cùng quan trọng là phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút một số chuyên gia trên lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực y tế, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, du lịch. Việc triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phải đảm bảo thu hút, tuyển chọn được người giỏi, có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, thực hiện quản lý chặt chẽ đối với đối tượng được thu hút về phục vụ tại tỉnh nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực, kinh phí ngân sách nhà nước.

TẠ TRUNG DŨNG - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.