Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Nghị quyết 13-NQ/TW: “Cú hích” cho vùng đất Chín Rồng bứt phá và phát triển bền vững
Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự ra đời của Nghị quyết 13 đã mang đến niềm phấn khởi đối với tất cả Đảng bộ, Nhân dân các tỉnh ĐBSCL và hứa hẹn tạo nên những bứt phá mới cho vùng đất Chín Rồng phát triển nhanh, bền vững.
Nông dân Bạc Liêu phơi lúa sau thu hoạch.
HÓA GIẢI KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Hiện nay, về địa chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, nước ta chia thành 6 vùng, bao gồm: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.
Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức đặc thù riêng. Trong đó, ĐBSCL vốn được xem là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và không ngừng có những đóng góp quan trọng cho quốc gia, nhất là đảm bảo về an ninh lương thực. Bởi đây là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu chung của cả nước. Riêng năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng vùng ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,7 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,4 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%)…
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, tiềm năng và thế mạnh chưa được khai thác hợp lý, ô nhiễm môi trường gia tăng, đặc biệt là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, sạt lở bờ biển và chịu ảnh hưởng, lệ thuộc khá nhiều về nguồn nước ngọt từ thượng nguồn Mê-kông...
Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng ĐBSCL nhằm hóa giải các khó khăn, thách thức với mục tiêu: xây dựng vùng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hàng lang kinh tế và đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với BĐKH; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng…
Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa. Ảnh: Tú Anh
THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
Có thể thấy, Nghị quyết 13 đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Nếu như Nghị quyết 21 trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh…
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13 và góp phần vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, Bạc Liêu sẽ thi đua và tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là tập trung đi sâu khai thác tiềm năng, thế mạnh dựa vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị tôm và lúa gạo. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ khai thác chiều rộng sang chiều sâu theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, ít phát thải, ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường... phù hợp với yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, nguồn nước và thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, thực hiện một cách hiệu quả các dự án lớn, phát triển hạ tầng đa mục tiêu: thủy lợi, giao thông, điện... thích ứng với BĐKH để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn. Rà soát, xây dựng các tiêu chí xác định và đầu tư dự án, công trình ứng phó với BĐKH quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng ĐBSCL. Quy hoạch chi tiết về đất đai, tài nguyên nước, vùng sản xuất nông nghiệp, không gian biển theo 3 vùng kinh tế sinh thái mặn, lợ, ngọt. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực; đồng thời khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá, xây dựng và triển khai các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng địa phương, nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH về hạn hán, xâp nhập mặn, phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển. Trước mắt, tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp chung của vùng ĐBSCL…
KIM TRUNG
Nghị quyết 13 đặt mục tiêu đến năm 2030, quy mô nền kinh tế tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, ĐBSCL là vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, có trình độ phát triển khá so với cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa và con người Nam Bộ. Chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được gìn giữ và phát huy, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường…