Người trong cuộc kể chuyện ngày giải phóng Bạc Liêu

Thứ Hai, 29/04/2024 | 15:22

Đất nước nối liền một dải, Bắc - Nam thống nhất một nhà đã gần nửa thế kỷ, vì thế nhân chứng lịch sử cũng thưa dần. Những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Bạc Liêu tháng 4/1975 giờ chỉ như “sao buổi sớm”, song lời kể về quá trình tiến đến ngày chiến thắng vẫn âm vang không khí hào hùng, đưa người nghe trở về 49 năm trước như để hòa cùng sự kiện lịch sử cuối tháng 4 năm ấy.

Mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc năm 1975 tại Bạc Liêu. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng

ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VÀ BINH VẬN

Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức trưng bày gần 100 tư liệu, hình ảnh về chủ đề “Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước và đại thắng mùa xuân 1975” tại Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Phước Long). Các tư liệu đã tái hiện cuộc đấu tranh của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, buộc chính quyền ngụy phải đầu hàng, đưa Bạc Liêu lần thứ 2 giành chiến thắng không đổ máu.

Cách đây 49 năm, vào những ngày cuối tháng 4/1975, tận dụng thời cơ tình hình trên chiến trường ở các mặt trận diễn biến nhanh chóng có lợi cho cách mạng, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phương án chính trị và binh vận; mũi chủ yếu là tấn công vào Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu - Nguyễn Ngọc Điệp, gắn với tích cực chuẩn bị các điều kiện về vũ trang để giải phóng tỉnh lỵ. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp buộc Đại tá, Tỉnh trưởng - Nguyễn Ngọc Điệp cùng các sĩ quan thuộc cấp phải từ bỏ ý định tử thủ, buông súng đầu hàng, “bàn giao chính quyền” vô điều kiện cho cách mạng.

Ông Nguyễn Thái Hạo (cư sĩ Thích Quảng Thiệt) năm nay 80 tuổi, từng là thành viên lực lượng chính trị - binh vận của cách mạng năm 1975. Cách nay 49 năm, trong lớp áo tôn giáo, Đại đức Thích Quảng Thiệt được chính quyền ngụy tỉnh Bạc Liêu tin tưởng, giao giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tử thủ tỉnh Bạc Liêu. Từ cương vị này, ông nắm được nhiều thông tin quan trọng, có lợi cho cách mạng và đã bí mật báo cho sư phụ cũng là thân phụ - Thượng tọa Thích Hiển Giác.

Theo lời kể của cư sĩ Thích Quảng Thiệt, ngày 16/4/1975, ông lần đầu tiên được gặp ông Trần Thanh Hồng trên cương vị Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng tỉnh Bạc Liêu tại chùa Vĩnh Đức (Phường 1, TP. Bạc Liêu ngày nay). Từ sau cuộc gặp này, thông tin trao đổi giữa hai bên thường xuyên hơn, thông qua Thượng tọa Thích Hiển Giác và cuộc gặp giữa Mặt trận giải phóng tỉnh Bạc Liêu với Đại tá, Tỉnh trưởng - Nguyễn Ngọc Điệp dần được sắp đặt. “Sáng sớm 26/4, Thượng tọa Thích Hiển Giác thông tin cho biết lãnh đạo Mặt trận đồng ý cử đại diện gặp Tỉnh trưởng tại Tòa hành chánh, ngày giờ thông báo sau. Tôi liền điện cho bà Tỉnh trưởng, tôi cùng ông bà ăn sáng tại dinh Tỉnh trưởng”, ông Thái Hạo thuật lại.

Đồng chí Trần Nam Đoàn - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bạc Liêu kể lại ngày giải phóng Bạc Liêu tháng 4/1975. Ảnh: N.Q

CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG LÀM CHỦ TỊNH LỴ AN TOÀN

Và cuộc gặp lịch sử đó đã diễn ra vào sáng 30/4/1975. Trong bút tích của mình vào năm 1995, đồng chí Lê Đại (Lê Quân) - nguyên Đặc phái viên Khu ủy Tây Nam Bộ, có viết: “Đến chiều 29/4/1975, Đại tá, Tỉnh trưởng chấp nhận gặp tôi - đại diện Mặt trận và bằng lòng giao toàn bộ chánh quyền cho cách mạng”.

Còn đồng chí Trần Nam Đoàn - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bạc Liêu thời điểm lịch sử đó, là thành viên đoàn tiếp quản của Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhớ lại: “Ngày 30/4, khi bắt đầu cuộc thương thuyết, Đại tá Điệp xin chậm lại để chờ lệnh của Trung ương, nhưng đoàn thương thuyết hối thúc và phân tích cho Tỉnh trưởng ngụy quyền thấy, nếu tới lúc miền Nam này chịu đầu hàng rồi, thì việc chính quyền tỉnh Bạc Liêu giương cờ trắng thì đâu có giá trị gì nữa. Nghe vậy, Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp mới chịu đầu hàng lúc trưa ngày 30/4”.

Đúng 10 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu. Thời khắc ấy, theo lời kể của đồng chí Nam Đoàn, Đội biệt động hợp pháp tỏa ra để vận động quần chúng thị xã xuống đường, trở thành một cuộc diễu hành. Chính quyền cách mạng đã làm chủ tỉnh lỵ an toàn, không nổ súng, không đổ máu, kết thúc 30 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào và vẻ vang của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 thật trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, sau 49 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương, đất nước, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, sau 27 năm từ ngày tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần 2 (ngày 1/1/1997), hầu hết các lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.