Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Những đổi mới ở khu dân cư từ “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc”
20 năm qua, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (gọi tắt là Ngày hội) theo Nghị quyết 04 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trở thành một thông lệ vào mỗi dịp cuối năm của các cộng đồng dân cư trong tỉnh. Với việc chú trọng đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức Ngày hội đảm bảo vừa trang trọng lại vừa thiết thực, hiệu quả đã thu hút người dân đến với Ngày hội ngày càng đông hơn. Tinh thần đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư cũng ngày càng được thắt chặt; đồng lòng bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; chung tay cùng địa phương trên những chặng đường phát triển.
Ngày càng sôi nổi, hiệu quả
Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Long luôn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội tại các khu dân cư trên địa bàn huyện với mục tiêu thu hút được đông đảo Nhân dân cùng tham gia, trong đó tìm cách đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức cho phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Mặt trận huyện sẽ đưa kế hoạch tổ chức Ngày hội vào chương trình công tác năm và xin ý kiến Thường trực Huyện ủy. Khi có hướng dẫn từ Mặt trận cấp trên thì các ban công tác Mặt trận sẽ thông báo rộng rãi tới bà con và kết hợp với UBND xã tuyên truyền trên bảng tin, nhóm Zalo, loa phát thanh… để tạo không khí sôi nổi trong khu dân cư.
Tại các xã, phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu, Ngày hội cũng luôn được chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, ở nhiều khu dân cư đã năng động vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tiêu biểu, con em xa quê ủng hộ tổ chức Ngày hội và “Bữa cơm Đại đoàn kết”. Nhiều nơi dựng sân khấu ngoài trời, trang trí băng, cờ khẩu hiệu, mời các khu dân cư của các phường, xã bạn đến giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao, thể hiện rõ không khí Ngày hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trước khi Ngày hội diễn ra, các khu dân cư đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua rất thiết thực như: Vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tập trung vận động tháng cao điểm “Vì người nghèo”; khởi công, khánh thành “nhà Đại đoàn kết”; thực hiện tốt 5 nội dung trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Hộ có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Bình Tốt (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) nhận quà hỗ trợ từ chính quyền địa phương tại Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2022. Ảnh: H.U
Và những chuyển biến tích cực từ cơ sở
Nhìn từ việc tổ chức Ngày hội qua từng năm cho thấy những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ cơ sở ngày càng được thể hiện rõ hơn. Ban đầu Ngày hội được tổ chức tại từng khu dân cư, sau đó nhiều đơn vị thay đổi quy mô tổ chức thành liên khu dân cư, các hoạt động được mở rộng, có quy mô lớn; phần lễ và phần hội của Ngày hội cũng được đổi mới rất nhiều qua từng giai đoạn…
Đơn cử như TX. Giá Rai, trong 20 năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động, tập hợp đông đảo Nhân dân cùng chung tay sửa chữa và làm mới hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng; đóng góp hàng ngàn ngày công lao động; trên hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Còn tại TP. Bạc Liêu, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các địa phương vận động hỗ trợ xây dựng trên 140 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tặng hơn 9.000 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp lễ, tết. Đặc biệt, trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát (2020, 2021), tổ chức Mặt trận các cấp của TP. Bạc Liêu đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, vận động doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong vùng dịch, người lao động thất nghiệp, gia đình có người tử vong vì COVID-19… bằng nhiều hình thức, từ hiện vật đến tiền mặt với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.
Từ kết quả thực tế cho thấy, Ngày hội đã góp phần khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, trong đó phải kể đến sự gắn kết tình làng nghĩa xóm; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng dân cư; tạo sự gần gũi hơn nữa giữa Nhân dân với chính quyền... Từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Uyên
- Tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại xã Vĩnh Thịnh
- Huyện Phước Long: Tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2024
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc tết vùng căn cứ huyện Đông Hải
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu bị bắt