Những đóng góp của ĐBQH tỉnh Bạc Liêu trong 75 năm lịch sử Quốc hội Việt Nam

Thứ Tư, 06/01/2021 | 17:41

Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, chỉ 4 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cử tri cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đi bỏ phiếu bầu Quốc hội của nước Việt Nam mới, được tiến hành theo chế độ phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, và bỏ phiếu kín, bầu chọn ra 333 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng với 70 đại biểu không qua bầu cử (gồm 20 đại biểu của Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội và 50 đại biểu của Việt Nam quốc dân Đảng), tổng số ĐBQH khóa I là 403 đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giám sát việc niêm yết danh sách bầu cử ĐBQH khóa XIV tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

NHỮNG ĐBQH TỈNH BẠC LIÊU GIỮ CƯƠNG VỊ, TRỌNG TRÁCH QUAN TRỌNG

Ngày 6/1/1946, có đến 95% cử tri Bạc Liêu tham gia bỏ phiếu, cùng với cử tri cả nước, tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội khóa I. Trong 403 ĐBQH khóa I, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu có 3 đại biểu. Từng thời kỳ phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, cách mạng tỉnh Bạc Liêu nói riêng, đều gắn liền với vận mệnh của đất nước, với trách nhiệm của người ĐBQH. Điều đó càng khẳng định sự trưởng thành của Quốc hội, của ĐBQH từng khóa đã nêu cao vai trò, trọng trách lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và kiến quốc, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp về trí tuệ, cống hiến công sức to lớn của các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu qua các thời kỳ.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội trực tuyến trong năm 2020. Ảnh: K.P

Quốc hội khóa I có ĐBQH Cao Triều Phát, một nhân sĩ trí thức tôn giáo đặc biệt, đã từ bỏ tất cả điền sản và cuộc sống phong lưu để đi theo cách mạng. Hưởng ứng Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, ông đã tự giác hiến 6.000 mẫu ruộng của riêng mình ở Vĩnh Châu (nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Sóc Trăng) để cách mạng chia và cấp cho dân nghèo. Là lãnh tụ Đạo Cao đài, tháng 4/1946, ông chỉ huy mặt trận Giồng Bốm, với trận đánh Giồng Bốm ngày 15/4/1945 được ghi nhận là trận đánh lớn nhất của Cao đài Hậu Giang trong kháng chiến chống Pháp. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “Người bạn zà miền Nam” của Người. Ngay trong khóa Quốc hội đầu tiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã vinh dự có ĐBQH được bầu vào cương vị lãnh đạo Quốc hội. Đó là ĐBQH Cao Triều Phát - Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Ủy viên Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chưởng quản cửu trùng đài Hội thánh duy nhất Đại đạo Tam kỳ phổ độ Cao đài cứu quốc 12 phái hợp nhất, một con người với tình yêu nước nồng nàn, thiết tha với độc lập dân tộc.

Cùng tham gia Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu khóa đầu tiên, bà Ngô Thị Huệ là nữ ĐBQH đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Bà đã có 25 năm liên tục là ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và là Phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đương nhiệm có ĐBQH Lê Minh Khái - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, là người Bạc Liêu đầu tiên tham gia Chính phủ, kể từ ngày thành lập Chính phủ lâm thời đến nay.

Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Bình. Ảnh: K.P

NHIỀU ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC

75 năm qua, với tiền đề và cơ sở quan trọng là bản Hiến pháp, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, qua 14 khóa, trong suốt chặng đường 75 năm (từ 1946 - 2021) đã góp phần quan trọng trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, vì quốc kế dân sinh, vì sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cử tri huyện Hòa Bình kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: K.P

Từ khóa I đến khóa V, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh nhà, với trí tuệ và trách nhiệm của mình, đã cùng Quốc hội và ĐBQH cả nước có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ: chiến thắng thực dân Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quốc hội khóa VI đến khóa IX là thời kỳ đất nước ta hàn gắn vết thương chiến tranh, kiên cường bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam; bước vào công cuộc đổi mới. Từ khóa X cho đến khóa XIV đã kế thừa, tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng là cầu nối tin cậy, vững chắc của Đảng, chính quyền với Nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu khóa XIV đã có nhiều cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm được cử tri và Nhân dân tỉnh nhà giao phó, tổ chức tốt các hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn tới, với đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của 75 năm qua, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.