Chính trị
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2025 - 2030
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Những lần điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu
Nhiều lần chia tách rồi sáp nhập, lịch sử hành chính của tỉnh Bạc Liêu gắn liền với những thay đổi lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Năm 1899, chính thức lập tỉnh Bạc Liêu
Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, trong cuộc cải cách hành chính lớn, Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh). Khi đó, phần lớn đất đai Bạc Liêu thuộc tỉnh An Giang. Tỉnh An Giang lúc này bao gồm một vùng đất rộng lớn từ Châu Đốc đến Sóc Trăng, Bạc Liêu và kéo dài đến cửa biển Gành Hào.
Phải gần 50 năm sau, dưới thời Pháp thuộc, địa danh hành chính Bạc Liêu mới chính thức xuất hiện. Năm 1882, thực dân Pháp thành lập địa hạt Bạc Liêu, lúc này dân bộ khoảng 25.000 người. Sau 7 năm thì Toàn quyền Đông Dương đổi địa hạt thành tỉnh, tỉnh Bạc Liêu chính thức được thành lập, ban đầu gồm 2 quận: Vĩnh Lợi và Cà Mau. Từ đó về sau, địa giới tỉnh Bạc Liêu trải qua nhiều lần điều chỉnh, tách nhập để phù hợp với yêu cầu quản lý, tình hình cách mạng và tầm nhìn phát triển của quốc gia trong từng giai đoạn.
Dự kiến sau hợp nhất, tỉnh Cà Mau mới có 9 phường và 55 xã. Trong ảnh: Bản đồ hành chính của 2 tỉnh hiện tại. Ảnh: N.Q
Trong giai đoạn kháng chiến, để phù hợp với yêu cầu chỉ đạo chiến đấu, theo Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy miền Tây, tỉnh Bạc Liêu bị giải thể vào tháng 6/1957. Các đơn vị hành chính gồm TX. Bạc Liêu và các huyện: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân được sáp nhập vào tỉnh Sóc Trăng. Việc điều chỉnh này nhằm tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo, đối phó kịp thời với âm mưu của địch trong tình hình mới.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, khi quân Mỹ rút lui, cục diện chiến trường thay đổi. Nhận thấy thời cơ cách mạng, Trung ương Cục miền Nam quyết định tái lập một số tỉnh đã giải thể trước đó để tăng cường sự chỉ đạo. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ nhất tại Khu căn cứ Cái Chanh vào ngày 20/11/1973. Ngay sau khi được thành lập lại, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã khẩn trương sắp xếp tổ chức, ổn định tình hình và chỉ đạo quân, dân trong tỉnh mở các đợt tấn công địch ngay trong tháng 12 cùng năm, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Phát triển và định hướng tương lai
Sau ngày đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, cấp có thẩm quyền tiến hành hợp nhất nhiều tỉnh. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VI (kỳ họp thứ nhất, ngày 2/7/1976), tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau được ghép lại mang tên tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu). Tên gọi Minh Hải chính thức được sử dụng từ ngày 10/3/1976.
Trải qua hơn 20 năm hợp nhất, để phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế riêng của từng địa phương, Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết ngày 6/11/1996 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 tỉnh là Bạc Liêu và Cà Mau. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Khi mới tái lập, tỉnh Bạc Liêu gồm có TX. Bạc Liêu (tỉnh lỵ) và 3 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai.
Và ngày nay, Bạc Liêu đứng trước cơ hội phát triển mới, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình khi thực hiện “tầm nhìn 100 năm” của Đảng. Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Quyết định 759, ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ghép tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.
Sắp tới Quốc hội sẽ xem xét các phương án tổ chức không gian lãnh thổ, bao gồm cả hợp nhất các đơn vị hành chính, là một phần của tầm nhìn phát triển dài hạn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức về tổ chức, tâm lý xã hội, nhưng cũng mở ra cơ hội từ việc kết hợp nguồn lực, tạo ra quy mô kinh tế lớn hơn, tăng cường sức mạnh tổng hợp trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau mới (như thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch), quy hoạch hạ tầng đồng bộ hơn, nâng cao sức hút đầu tư, cải thiện vị thế của vùng trong khu vực và cả nước.
Nhìn lại lịch sử, mỗi lần điều chỉnh địa giới hành chính đều gắn với những yêu cầu khách quan của từng giai đoạn lịch sử. Tỉnh Bạc Liêu, dù trải qua nhiều thay đổi, vẫn luôn thể hiện sức sống và khát vọng vươn lên, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguyễn Quốc