Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Những người con anh hùng của quê hương Bạc Liêu anh hùng
Trải qua 2 cuộc kháng chiến và thời kỳ bảo vệ đất nước, Bạc Liêu là vùng đất anh hùng, nơi “chôn nhau cắt rốn” của những người con ưu tú, sẵn lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngay trong chiến trường đầy bom đạn, họ đã trở thành dũng sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).
Thiếu tướng Hồ Khải Hoàng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 30/8/1989. Trong ảnh: Thiếu tướng Hồ Khải Hoàng đọc báo Bạc Liêu tại Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018.
Hai phụ nữ cùng năm sinh, chung chí hướng
Đến thăm Nhà truyền thống Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) nằm trong công viên văn hóa Lê Thị Riêng, tôi vô cùng xúc động khi đọc dòng nhật ký của một liệt sĩ: “Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc, chia ly…”. Đó là dòng tự sự của AHLLVTND Lê Thị Riêng - một người con ưu tú của Bạc Liêu công tác và chiến đấu ở Sài Gòn - Gia Định ngày trước.
Ngày 9/5/1967 trên đường đi công tác, chiến sĩ Lê Thị Riêng bị tên phản cách mạng Ca Vĩnh Phối nhận mặt, chỉ điểm cho bọn mật vụ bắt. Bọn địch dùng đủ loại cực hình man rợ nhất hòng khuất phục người chiến sĩ cách mạng: đánh đập, châm điện, đốt trơ xương ngón tay, dùng chiêu bài tâm lý dụ dỗ, mua chuộc… nhưng tất cả đều thất bại.
Biết không thể khai thác thông tin từ người tù cộng sản, địch bí mật đem bà đi thủ tiêu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác vào ngày mùng 2 tết Mậu Thân (1968). Tác giả sách “Gương sáng nữ Việt” - ông Trần Đình Ba đã viết: “Trong những giờ phút cuối cùng trước lúc anh dũng hy sinh, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người cách mạng ở cương vị lãnh đạo”.
Người phụ nữ thứ hai được tuyên dương anh hùng là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười, sinh cùng năm 1925 với liệt sĩ Lê Thị Riêng. Năm 1959, Mẹ Nguyễn Thị Mười tham gia hoạt động cách mạng tại ấp Mỹ Trinh, xã Vĩnh Hưng, huyện Hồng Dân (nay là huyện Vĩnh Lợi). Mẹ được phân công công tác phụ nữ xã Vĩnh Hưng.
Lịch sử ghi lại, ngày 9/4/1970, mẹ sang thăm con ở Mỹ Quới, Thạnh Trị (Sóc Trăng). Mờ sáng, thằng Quang - chỉ huy đội biệt kích ở Ngã Năm đánh vào, đồng bào chạy dồn về ấp Mỹ Tây khá đông. Địch xả súng bắn vào đồng bào. Mẹ Mười cấp tốc chạy ngay ra đỡ họng súng, hét to: “Các ông không có quyền bắn người làm ăn vô tội, tội gì mà các ông bắn?”. Theo sau mẹ có trên 300 người. Cuộc đấu tranh trực diện tại chỗ đã chặn đứng hành động giết người của địch.
Năm 1970, địch tập trung bình định Vĩnh Hưng, một xã mà chúng đóng 5 đồn. Nơi ăn chốn ở và hoạt động của du kích rất khó khăn. Mẹ Mười cùng với chồng đào hầm trong nhà nuôi chứa 4 du kích, trong đó có đồng chí xã đội trưởng bị thương chưa lành. Lúc 10 giờ sáng 22/4/1972, địch phát hiện nhà mẹ có chứa cán bộ, chúng kéo một tiểu đội ập vào nhà. Trước tình thế khó khăn đó, mẹ bình tĩnh quyết tử để bảo vệ các con. Mẹ ôm quật ngay tên lính đi đầu, rồi cả nhà lao ra chặn địch, tạo điều kiện giải thoát cho anh em du kích còn ở trong hầm. Hơn 10 phút ẩu đả với địch tại cửa nhà, mẹ bị tên lính ở phía sau chĩa súng vào sườn bắn chết, địch bắn thêm đứa cháu nội, con dâu thứ tư của mẹ bị thương.
Mộ phần liệt sĩ, AHLLVTND Trần Hồng Dân, nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Dân tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Long. Ảnh: N.Q
Rời nhà tù Côn Đảo trên chuyến tàu đầu tiên
Ở Bạc Liêu có huyện Hồng Dân - địa danh được đặt tên vào năm 1947 để ghi nhớ công lao to lớn của anh hùng Trần Hồng Dân. Tuy chỉ tham gia cách mạng, chống Pháp 10 năm nhưng đồng chí Trần Hồng Dân đã có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí tham gia chuyến tàu đầu tiên cùng Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng đi từ Côn Đảo về đất liền.
Sinh ra tại ấp Vĩnh Lộc, xã Mỹ Quới, quận Phước Long (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939), đồng chí Trần Hồng Dân đảm nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội Ái hữu của học sinh tại quận Phước Long. Tháng 5/1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ xã Mỹ Quới, quận Phước Long (nay thuộc huyện Phước Long). Tháng 4/1941, đồng chí được điều động về công tác tại Cần Thơ, sau đó bị địch bắt, kết án 20 năm tù đày ra Côn Đảo.
Năm 1946, đồng chí về lại quận Phước Long công tác. Ngày 8/6/1946, trong một trận càn quy mô của Pháp vào các làng Vĩnh Phong, Ninh Thạnh Lợi, một cánh quân địch đánh vào ấp Xẻo Dừng - nơi Quận ủy Phước Long đóng cơ quan. Đồng chí Trần Hồng Dân bị địch bao vây, một mình một súng rulo, đồng chí chiến đấu với cả trung đội địch đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Nhiều người con Bạc Liêu không chỉ kiên cường trong chiến đấu, mà trong thời bình còn được Đảng, Nhà nước phân công giữ các chức vụ quan trọng, được phong tướng, đó là bác sĩ Trần Thanh Quang, Hồ Khải Hoàng. Đồng chí Hồ Khải Hoàng có thành tích đặc biệt xuất sắc trên hai mặt trận kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang ở nước bạn Campuchia, được phong anh hùng ở tuổi 32.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Hồ Khải Hoàng tham gia du kích xã từ năm 16 tuổi, sau đó giữ nhiều chức vụ ở Tiểu đoàn U Minh 2, trực tiếp tham gia chiến đấu 47 trận, diệt 67 tên, thu 55 súng các loại, 5 máy thông tin PRC-25 của địch. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đồng chí đã chỉ huy đơn vị trực tiếp chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt và bắt sống gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí.
Tuy bị thương, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng đồng chí vẫn bám sát đơn vị, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, bình tĩnh, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tín nhiệm, yêu mến. Những năm tháng làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, đồng chí được Quân khu 9 xếp vào danh sách những chỉ huy nổi bật, mang quân hàm Thiếu tướng.
Quê hương, đất nước nghiêng mình tri ân sự hy sinh, công lao to lớn của lớp người đi trước và biến lòng biết ơn ấy thành những hành động cụ thể trong cuộc sống, học tập và lao động. Thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để đất nước độc lập, thống nhất, thì thế hệ hôm nay và mai sau sẽ một lòng theo Đảng xây dựng đất nước mạnh giàu, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân.
Mạnh Quân
---------------------------------------------------------
77 tập thể, cá nhân anh hùng
Bạc Liêu có 40 đơn vị, địa phương và 37 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Về cá nhân, có 2 nữ anh hùng, là bà Nguyễn Thị Mười (chiến sĩ dân quân du kích xã Vĩnh Hưng, huyện Hồng Dân), bà Lê Thị Riêng (quê xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi, Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn, Khu ủy viên, Đặc khu Sài Gòn, Gia định).
Các cá nhân còn lại gồm: Trương Văn An, Nguyễn Văn Bé Bảy, Trần Công Bằng, Nguyễn Văn Chánh, Dương Văn Diệp, Lâm Văn Lích, Nguyễn Hữu Nghĩa, Lê Hồng Nhi, Phan Văn Nhờ, Trần Thanh Quang, Ngô Văn Tảo, Nguyễn Công Thượng, Lý Hữu Trí, Tô Minh Xuyến, Trần Văn Hộ, Ngô Văn Ngộ, Bùi Văn Viết, Trần Văn Tất, Phạm Hồng Thấy, Trần Hiền Quang, Lê Minh Cơ, Hồ Khải Hoàng, Hồ Minh Luông, Ngô Quang Nhã, Nguyễn Hồng Khanh, Phan Thành Lập, Trần Văn Sỹ (Út Hạnh), Huỳnh Văn Xã, Nguyễn Văn Phấn, Đoàn Tấn Khoa, Võ Văn Thuận (Cường), Huỳnh Ngọc Điệp, Trần Hồng Dân (Trần Văn Thành), Nguyễn Minh Nhựt và Phùng Ngọc Liêm.
- Ngành Tuyên giáo Bạc Liêu đẩy mạnh định hướng công tác tuyên truyền Đại hội Đảng
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi cán bộ, đảng viên
- Những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với khí thải
- Lực lượng vũ trang Bạc Liêu: Đa dạng phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Quy định về “Gia đình văn hóa” trên địa bàn tỉnh