Những người con Bạc Liêu xứng danh anh hùng

Thứ Năm, 23/04/2015 | 09:46

Bạc Liêu là vùng đất anh hùng, nơi “chôn nhau cắt rốn” của những người con ưu tú, sẵn lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngay trong chiến trường đầy bom đạn, họ đã trở thành dũng sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ lại tiếp tục cống hiến vì Đảng, vì dân và nhiều người trong số đó đã đứng vào hàng ngũ tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

AHLLVTND - Trần Công Bằng: Tấm gương cách mạng sáng ngời

Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước thuộc xã Long Điền Tây (huyện Giá Rai cũ), năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Trần Công Bằng bắt đầu tham gia cách mạng. Quá trình trưởng thành trong chiến đấu, từ chiến sĩ rồi được phong hàm trung tá, đồng chí đã tham gia chiến đấu trên 100 trận, diệt trên 200 tên địch, phá hủy 2 xe quân sự, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng…

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời của Trung tá Trần Công Bằng là vào mùa xuân năm 1968, đồng chí chỉ huy đại đội đánh chiếm đài phát thanh trong thành phố Cần Thơ. Tuy địch phòng thủ kiên cố nhưng đồng chí vẫn dẫn đầu đơn vị vượt qua các tuyến ngăn chặn, đánh chiếm các mục tiêu. Địch phản kích mạnh, đơn vị bị đứt liên lạc với trên, quân số hao hụt, đạn dược phục vụ chiến đấu thiếu. Đồng chí đã động viên mọi người kiên quyết bám trụ đánh địch liên tục 38 ngày đêm trong thành phố và trên đường Vòng Cung. Đơn vị đã diệt 500 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Từ những chiến công ấy, đồng chí được tặng 3 Huân chương Chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba, 60 bằng khen và giấy khen, 4 lần được bình chọn là Chiến sĩ thi đua, 15 lần là Dũng sĩ. Năm 1978, Trần Công Bằng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu AHLLVTND.

Thiếu tướng Hồ Khải Hoàng: Được phong anh hùng ở tuổi 32

Quê xã Định Thành (huyện Giá Rai cũ), Hồ Khải Hoàng là lính Cụ Hồ có thành tích đặc biệt xuất sắc trên hai mặt trận kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang ở nước bạn Cam-pu-chia.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí tham gia du kích xã từ năm 16 tuổi, sau đó giữ nhiều chức vụ ở Tiểu đoàn U Minh 2, trực tiếp tham gia chiến đấu 47 trận, diệt 67 tên, thu 55 súng các loại, 5 máy thông tin PRC-25 của địch. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, đồng chí đã chỉ huy đơn vị trực tiếp chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt và bắt sống gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí.

Thành tích ở hai mặt trận, Hồ Khải Hoàng được tặng thưởng 9 Huân chương Chiến công các hạng, nhiều lần là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng cùng với gần 50 bằng khen, giấy khen. 32 tuổi, Hồ Khải Hoàng được phong AHLLVTND, khi đó đồng chí đã mang quân hàm thiếu tá, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 157 bộ binh, Sư đoàn 339 thuộc mặt trận 979 (Quân khu 9). Tuy bị thương, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng đồng chí vẫn bám sát đơn vị, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, bình tĩnh, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tín nhiệm, yêu mến. Những năm tháng làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu, đồng chí được Quân khu 9 xếp vào danh sách những Chỉ huy nổi bật mang quân hàm Thiếu tướng.

Thiếu tướng, bác sĩ Trần Thanh Quang: Cứu thương binh ngay trên chiến trường ác liệt

Sinh ra và lớn lên tại xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá Rai), năm 13 tuổi, Trần Thanh Quang trốn nhà đi theo đơn vị 320 thuộc Quân dân y Tây Nam bộ, làm cứu thương phục vụ chiến đấu. Từ một cứu thương văn hóa lớp 4, dần dần Trần Thanh Quang được đào tạo thành bác sĩ, sau đó là bác sĩ chuyên khoa cấp I…

Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, có đợt cao điểm chỉ 18 ngày, Trần Thanh Quang đã cùng anh em trong biên chế của đội 20 người mổ 2.500 ca, có ngày đồng chí mổ tới 72 ca lớn nhỏ ngay trên chiến trường gian khổ, ác liệt, sốt rét nhiều. Tổng kết cuộc đời quân y của mình, đồng chí đã mổ hơn 17.500 ca không để xảy ra tai biến, cứu sống nhiều trường hợp vết thương hiểm nghèo tưởng chừng không qua khỏi; nghiên cứu 7 đề tài khoa học.

Đồng chí có 3 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 lần được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 18 năm là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, huy hiệu Dũng sĩ giữ nước, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Tháng 1/1996, khi được tuyên dương AHLLVTND, đồng chí là thượng tá, bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện Quân y 121, Phó phòng Quân y Quân khu 9. Đầu năm 2008, đồng chí được phong quân hàm thiếu tướng.

Tấn Quốc (bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.