Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Những quả ngọt từ dân vận khéo
Thực hành văn hóa trọng dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống người dân được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là những quả ngọt thu được khi thực hiện đúng lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công!”.
Bài 1: Làm dân vận bằng tấm lòng
Bằng tấm lòng và kỹ năng tuyên truyền, vận động, những đảng viên làm công tác dân vận không chỉ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đời sống ngày càng tốt hơn mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh...
Ban Dân vận Huyện ủy Phước Long và ông Đào Minh Phúc thăm lại hàng dừa ông Phúc vận động trồng ven kênh. Ảnh: H.Q
Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Hơn 20 làm Chi hội trưởng, với uy tín và tài dân vận khéo, bà Lâm Thị Dol (SN 1960) - Chi hội trưởng Phụ nữ, người có uy tín trong đồng bào Khmer của ấp Công Điền (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) đã góp sức xây dựng được niềm tin vững chắc của nhân dân đối với tổ chức đảng, với chính quyền địa phương.
Những ngày đầu công tác, bà phải đối diện với nhiều thử thách, bởi đời sống phụ nữ trong ấp thời đó đa phần nghèo khó, hơn 50% chị em là người dân tộc Khmer, việc tiếp xúc để tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước gặp trở ngại do nhận thức, tư tưởng nhiều phụ nữ còn lạc hậu. Để nói cho mọi người hiểu và làm theo, bà Dol không nề hà cực nhọc, dãi nắng dầm mưa đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động chị em từ chuyện tham gia vào ngôi nhà chung của Hội đến việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tham gia tệ nạn xã hội, cố gắng làm ăn để thoát nghèo… Bà còn thường xuyên đề xuất Hội LHPN xã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực giúp chị em tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp với các đoàn thể, người có uy tín của ấp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ các hủ tục, tiếp thu những điều tiến bộ trong văn hóa các dân tộc, kể cả hiến đất làm lộ ngõ xóm.
Cách vài ngày, bà lại dừng chân ở các hộ gia đình có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật để tìm hiểu, động viên và sau đó vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Rồi đều đặn mỗi tuần 3 buổi, bà lại tranh thủ vào chùa Kim Cấu nghiên cứu tư liệu nhằm truyền đạt thêm cho các hội viên. “Khi muốn thực hiện việc gì, dù nhỏ hay lớn, người cán bộ, đảng viên hãy cứ “xắn tay” làm trước, nêu gương để mọi người cùng làm theo mình. Được như vậy thì khi phát động phong trào, người dân mới tin tưởng và làm theo” - phương châm làm việc rất tích cực của bà đã giúp nhận thức của các hội viên, phụ nữ lẫn người dân trong ấp ngày càng được khơi thông, mọi người sống đoàn kết, chăm chỉ lao động và hăng hái tham gia mọi phong trào địa phương phát động, kêu gọi. Từ sự góp sức của bà Dol và cộng đồng dân cư ấp Công Điền đã giúp xã Vĩnh Trạch hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao vào tháng 8/2022 và tiến đến xây dựng NTM kiểu mẫu.
Hai thập kỷ gắn bó với công tác cơ sở, khó khăn, thách thức không làm phai nhạt nhiệt huyết, tình cảm và ý nguyện một lòng phục vụ nhân dân của người đảng viên người Khmer này. Ngôi nhà và số điện thoại của bà Dol từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc để các hội viên, người dân trong ấp tìm đến như “điểm tựa” lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Bà Lâm Thị Dol trao tiền vận động hỗ trợ người già neo đơn.
Biệt tài dân vận của người Đảng viên tóc bạc
Chuyện về những cán bộ khi hưu trí không chịu sống an nhàn, thảnh thơi mà vẫn lăn xả vào công tác địa phương xưa nay không hiếm, nhưng đối với Đại tá Đào Minh Phúc (71 tuổi, ấp Hành Chính, TT. Phước Long, huyện Phước Long) thì ông đã làm được những việc mà ngay cả lãnh đạo địa phương cũng phải nể.
Mấy mươi năm công tác trong ngành Công an, khi ông Tám Phúc về hưu cũng là thời điểm huyện Phước Long được Trung ương chọn là một trong 5 địa phương điểm xây dựng NTM của cả nước. Giai đoạn này, Phước Long vừa bắt tay xây dựng NTM, vừa rút kinh nghiệm để có thể hoàn thành tốt 19 tiêu chí đề ra. Mọi việc khởi đầu đều mới mẻ, huyện rất cần những đảng viên, cán bộ gạo cội có nhiều tâm huyết, kinh nghiệm trợ sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Và ông Tám Phúc chính là một trong những nhân vật được đích thân Bí thư Huyện ủy mời tham gia vào mặt trận mới.
Không ngần ngại trước nhiệm vụ mới, ông Phúc bắt đầu tập trung công tác vận động, xây dựng lộ giao thông nông thôn ở địa phương. Phong trào lúc này đang phát triển sôi nổi, người dân Phước Long ai có đất hiến đất, ai có tiền quyên tiền, vật liệu, ngày công, sinh khí hối hả từ sáng đến tối ở những con đường NTM. Có những con đường nơi vùng sâu, vật liệu xây dựng không chở vào được, trong khi mọi người bắt đầu nản lòng, thì người đảng viên tóc bạc đã đưa ra một quyết định táo bạo: Chia cát đá vào thành từng bao, luồn lách bằng xe máy qua con đường quanh co đến điểm tập kết để thợ thầy kịp trộn hồ, đổ đal. Sự tâm huyết, nêu gương của ông đã khơi dậy được sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân để góp phần cùng huyện sớm về đích NTM, xây dựng NTM kiểu mẫu.
Với tấm lòng của người cựu cán bộ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ông Phúc còn vận động xây dựng hàng chục căn nhà đồng đội, nhà tình thương cho những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Năm 2013, chứng kiến gia cảnh công an phục viên Nguyễn Văn Đại (xã Vĩnh Phú Tây) còn quá nhiều khó khăn, phải ở đậu trên đất người, ông Phúc phát động các thành viên Câu lạc bộ Công an hưu trí góp tiền, tranh thủ các mạnh thường quân và vận động chủ đất mua lại cái nền, rồi cất nhà tặng ông Đại. Sau đó không lâu, lần lượt những căn nhà mơ ước của gia đình các ông: Nguyễn Văn Đê, Ngô Chiếu Khoa, Đoàn Tấn Lộc,... tiếp nối hoàn thành, mỗi căn trị giá từ 70 đến hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2022, ông Phúc xây được 4 tổ ấm cho những đồng đội còn khó khăn của mình. Trước giờ, chuyện vận động cất nhà tình thương trị giá đến 120 triệu đồng không hề dễ, nhưng ông Phúc đã làm được bằng chính cái tâm sáng của mình.
Có những khi gia chủ, thân nhân hai bên quá nghèo không thể góp được đồng nào, ông Phúc lại phải tính toán từng viên gạch, bao xi-măng... để xoay sở cho đủ tiền xây nhà. Doanh nghiệp vật liệu xây dựng thấy tấm lòng của ông nên đã ủng hộ thêm tiền, vật tư. Không chỉ vận động xây nhà tặng người nghèo, ông còn giúp địa phương vận động xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, trồng cây xanh, hoa kiểng tặng cho các xã; lặn lội đi xin hàng ngàn cây dừa trồng ven kênh để người dân nghèo hưởng hoa lợi hàng năm...
Thanh Hải - Tú Quyên
- Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Học sinh TP. Bạc Liêu say mê trải nghiệm “Nét Việt ngày xuân”
- Quỹ Thiện tâm tặng 500 suất quà Tết cho hộ nghèo
- Huyện Đông Hải và huyện Phước Long: Hơn 480 học sinh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, cấp huyện
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu