Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Bạc Liêu giàu đẹp
Bạc Liêu 2 lần giành chính quyền về tay nhân dân không tiếng súng, không đổ máu. Lần đầu tiên diễn ra cách nay đúng 77 năm, vào ngày 23/8/1945, Tỉnh trưởng ngụy quyền “mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Mặt trận Việt Minh tỉnh, hai tay dâng bản đầu hàng và bàn giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu”. Truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng đó là ngọn lửa soi đường, là nền tảng quan trọng trong tiến trình Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà xây dựng và bảo vệ quê hương hôm nay và mai sau.
Bạc Liêu ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Trồng dưa lưới trong nhà kín, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q
“CHÍNH QUYỀN ĐÃ VỀ TAY NHÂN DÂN”
Nội ô TP. Bạc Liêu có con đường mang tên sự kiện lịch sử này - đường 23/8 (Quốc lộ 1A cũ), chạy qua địa bàn Phường 7 và Phường 8. Con đường như nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn khắc ghi ngày trọng đại diễn ra 77 năm về trước, vào ngày 23/8/1945, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã giành chính quyền về tay nhân dân không nổ súng và không đổ máu.
Tháng 8 năm ấy, tình hình địch chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng, Tỉnh ủy lãnh đạo Nhân dân xuống đường lật đổ ngụy quyền bù nhìn tay sai. Ngày 20/8/1945, bọn ngụy quyền Bạc Liêu tổ chức tiếp đón tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm. Nhân dịp này, Tỉnh ủy huy động trên 3.000 người từ nông thôn kéo vào hòa nhập với các tầng lớp nhân dân nội ô tỉnh lỵ, hàng ngũ chỉnh tề, có lực lượng vũ trang tự vệ đi kèm để bảo vệ, biến cuộc mít-tinh của ngụy quyền thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy kéo đến vây kín dinh Tỉnh trưởng - Trương Công Thiện và hô vang các khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền phải về tay nhân dân”.
Sáng 23/8/1945, trước khí thế của cách mạng, Tỉnh trưởng ngụy - Trương Công Thiện buộc phải đầu hàng vô điều kiện và trao chính quyền cho nhân dân. Ông Tào Văn Tỵ - Ủy viên Trưởng Quân sự thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu thông báo trước quần chúng: “Chính quyền đã về tay nhân dân”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bạc Liêu mặc dù đã diễn ra hết sức quyết liệt, nhưng không vũ lực và giành thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dân Bạc Liêu cùng với cả nước đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Bạc Liêu góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ghi đậm dấu son chói lọi trong pho sử vàng của nhân dân tỉnh nhà và của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Điện gió - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu. Ảnh: H.T
THỰC HIỆN 5 TRỤ CỘT KINH TẾ - XÃ HỘI
Tinh thần cách mạng của ngày 23/8/1945 đã cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, sau 25 năm kể từ ngày tỉnh Bạc Liêu được tái lập (1/1/1997 - 1/1/2022), hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có sự phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao, quy mô và tiềm lực nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc so với 1/4 thế kỷ trước đây. So với năm 1997, tổng sản phẩm trong tỉnh của Bạc Liêu năm 2021 đạt 54.000 tỷ đồng, tăng 27 lần, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng 21 lần, thu ngân sách tăng 27,6 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 22 lần.
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; và phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đối với trụ cột đầu tiên - phát triển nông nghiệp, tỉnh nhất quán quan điểm, cây lúa vẫn là cây chủ lực, hướng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng hướng tới xuất khẩu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, việc nghiên cứu và sản xuất tôm theo chuỗi giá trị đạt được bước tiến quan trọng, dần trở thành kinh tế mũi nhọn, với hơn 2.250ha tôm nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, đưa năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường; phát triển mạnh sản xuất tôm giống với trên 32 tỷ con giống/năm, chiếm 85% thị phần tôm giống vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 53% tổng thị phần tôm giống cả nước.
Về phát triển công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hiện có 8 nhà máy điện gió với công suất 469,2MW đang hoạt động ổn định. Đây là hướng đi mới, là cơ sở quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của khu vực và quốc gia.
Lợi thế của tỉnh Bạc Liêu không chỉ ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp mà còn ở vị trí địa lý, cho phép phát triển du lịch. Tỉnh có 10/38 điểm du lịch được công nhận là tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu, lượng khách du lịch ngày càng tăng, Bạc Liêu đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch khu vực miền Tây và cả nước. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể khẳng định, thắng lợi của ngày lịch sử 23/8/1945 là thắng lợi tổng hợp của nhiều yếu tố, thắng lợi của việc sử dụng, phát huy đúng mức sức mạnh tổng hợp của nhân dân tỉnh nhà. Hiện nay, các ngành, các cấp trong tỉnh vẫn đang tiếp tục vận dụng và phát huy bài học quý giá ấy trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục đưa Bạc Liêu là tỉnh khá của khu vực và trở thành tỉnh khá của cả nước vào cuối nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tại cuộc họp ngày 11/1/2005, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chọn ngày 23/8/1945 làm Ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh hiểu rõ ý nghĩa Ngày truyền thống cách mạng tỉnh; chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh có những hoạt động thiết thực để kỷ niệm Ngày truyền thống cách mạng tỉnh hàng năm.
(trích Thông báo 96, ngày 12/8/2005 của Tỉnh ủy Bạc Liêu thông báo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Ngày truyền thống cách mạng của tỉnh Bạc Liêu)
NGUYỄN QUỐC
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh