Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân: Vì sự vững mạnh của tổ chức Đảng
Tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
>>> Bài 2: Hiệu quả từ “kênh” giám sát Nhân dân
Bài cuối: Xây dựng cơ chế để Nhân dân giám sát
Thực tế cho thấy, vai trò giám sát của Nhân dân ngày càng quan trọng, nhất là trong công tác cán bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh “cán bộ tốt hay xấu, cứ hỏi dân là biết hết”. Chính tai mắt Nhân dân đã góp cho tổ chức Đảng một cái nhìn khách quan, chân thật để có những giải pháp lãnh đạo hợp lòng dân, đúng ý Đảng. Vì thế, phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân cần phải được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy.
Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy phải biết lắng nghe dân. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Bình Tân - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi trao đổi với người dân địa phương. Ảnh: M.Đ
Lắng nghe tiếng nói của dân
Nhằm phát huy tinh thần dân chủ, vai trò giám sát của Nhân dân thì một trong những giải pháp quan trọng chính là các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự lắng nghe dân thông qua việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, nhất là về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính từ việc lắng nghe dân một cách nghiêm túc và chân thành sẽ tạo được lòng tin trong Nhân dân thông qua các phản ánh, kiến nghị trực tiếp đến người đứng đầu cấp ủy.
Ông Phan Thanh Duy - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: “Trong ngày Chủ nhật, khi nhận được điện thoại người dân ở thị trấn Ngan Dừa báo về việc cầu bị hư hại khá nặng có thể ảnh hưởng đến các em học sinh khi chẳng may rơi vào “ổ gà” khá lớn trên cầu, tôi đã chỉ đạo sửa ngay đến tận đêm, sáng thứ Hai thì người dân cũng như các em học sinh đều an tâm đi qua cầu một cách an toàn. Hay việc doanh nghiệp thi công đoạn đường hàng chục mét tại xã Ninh Thạnh Lợi mà không có cốt thép, khi người dân báo cáo thì huyện nhanh chóng triển khai lập biên bản và buộc doanh nghiệp phá bỏ làm lại ngay. Nhất là việc người dân trực tiếp thông tin về những vi phạm, hoặc thái độ ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, đảng viên thì Ban Thường vụ Huyện ủy lập tức tiến hành kiểm tra, xác minh ngay, sau đó vừa làm việc, vừa xử lý (nếu thông tin đúng) và vừa thông tin công khai cho dân biết cụ thể sự việc và hướng xử lý của huyện”.
Quả thật, chính từ việc luôn lắng nghe, kịp thời giải quyết những băn khoăn, bức xúc của Nhân dân đã góp phần tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực bởi lãnh đạo tỉnh luôn thực hành ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân. Những người “cầm trịch” của tỉnh đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh khi giải quyết yêu cầu, khiếu nại của công dân phải đặt mình vào vị trí của người dân bị mất quyền lợi để thấu hiểu. Cái nào chính quyền sai thì phải nhận thiếu sót trước dân, phải cầu thị lắng nghe ý kiến của công dân trong giải quyết vụ việc và tuyệt đối không được kỳ thị với người đi khiếu nại, tố cáo. Đó cũng cần được xem là phương châm trong việc giải quyết mọi vấn đề của dân, không riêng gì lĩnh vực khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát, phản biện xã hội
Đất nước đang chuyển mình trong giai đoạn với nhiều cơ hội mà cũng không ít thách thức, cũng có nghĩa là cả nước nói chung, các địa phương nói riêng phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn nhằm tạo sự vững mạnh của tổ chức Đảng nói chung, sự chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội nói riêng.
Để làm được điều này, theo ông Hồ Thanh Thủy - Bí thư Huyện ủy Hòa Bình: “Trong thời gian tới cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với các cơ quan liên quan, như cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truyền thông...; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận trong giám sát, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Một trong những giải pháp được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh nhằm phát huy vai trò giám sát của Nhân dân là phát huy được vai trò và trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực. Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông trong hoạt động giám sát MTTQ, các tổ chức thành viên và Nhân dân. Phát động toàn xã hội tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban công tác Mặt trận ở cơ sở.
Từ tình hình thực tế cho thấy, những giải pháp này là cần thiết. Tuy nhiên vai trò giám sát của Nhân dân thật sự được phát huy hiệu quả, thiết nghĩ cũng phải chú trọng xây dựng cơ chế giám sát của Nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, cần cơ chế cụ thể để thực hiện các Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân bày tỏ ý kiến đối với những quyết định lớn, tham gia công việc của Đảng và công khai các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát, kiểm tra; đặc biệt khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Đại hội Đảng bộ các cấp đã và đang diễn ra trong sự quan tâm và hy vọng rất lớn của Nhân dân: Đảng ta sẽ lựa chọn những cán bộ vừa có tài vừa đủ đức để gánh vác trọng trách cách mạng to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó. Và quả thật chỉ cần có niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân thì “dù khó vạn lần” chúng ta cũng vững vàng bước qua và tiến lên theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.
Hoàng Uyên