Phát triển chính quyền số: Minh bạch trong phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ Sáu, 18/03/2022 | 16:23

Những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hình thành phương thức làm việc mới trong hoạt động công vụ, nâng cao hiệu quả công việc, minh bạch trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Không dừng lại ở xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh đặt mục tiêu phát triển chính quyền số. Theo đó, đến năm 2025, hầu hết hồ sơ công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước được xử lý trên môi trường mạng, tất cả cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ…

Chuyên viên Nguyễn Minh Hồ (Văn phòng HĐND - UBND huyện Vĩnh Lợi) sử dụng phần mềm quản lý văn bản.

NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC VÀ TIẾT KIỆM

Chỉ cần nhập từ khóa và vài lần nhấp chuột vào hệ thống quản lý văn bản liên thông tỉnh Bạc Liêu, các văn bản cần tìm đã được in ra. Theo ông Nguyễn Minh Hồ - chuyên viên CNTT của Văn phòng HĐND - UBND huyện Vĩnh Lợi, hệ thống này được cài đặt, đưa vào sử dụng từ năm 2014 và đã tỏ rõ hiệu quả trong việc quản lý văn bản đến, văn bản đi, văn bản dự thảo, thống kê văn bản theo phân loại,… giúp việc lưu trữ, xử lý tài liệu nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Và dự kiến vào giữa cuối tháng 3 này, một ứng dụng khác với nhiều tiện ích hơn sẽ được đưa vào sử dụng, thay thế hệ thống quản lý văn bản hiện tại. Đó là hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Bạc Liêu - kết quả hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hệ thống mới kế thừa các ưu điểm của hệ thống cũ, thêm nhiều tiện ích, thiết kế thân thiện với người sử dụng và nhất là ứng dụng chứng thư số vào hoạt động lãnh đạo, điều hành. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng văn phòng không giấy tờ (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Vĩnh Lợi là một trong những địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hàng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, gắn kết ứng dụng CNTT với công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân. Huyện duy trì hoạt động cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, đăng ký và sử dụng chứng thư số, sử dụng hộp thư điện tử công vụ,… Chính quyền 2 cấp của huyện có 195 máy vi tính, 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng máy vi tính để xử lý công việc. Tất cả cơ quan, đơn vị đều xây dựng mạng nội bộ riêng để trao đổi dữ liệu. Trung tâm Hành chính công huyện cũng sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác và bảo đảm an ninh thông tin, liên thông 3 cấp (xã, huyện, tỉnh).

Bạc Liêu có 1.061 trạm thu phát sóng cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy nhập Internet đến tất cả khu dân cư, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ảnh: N.Q

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá công tác ứng dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng viễn thông, CNTT và hệ thống ứng dụng dùng chung từng bước được hiện đại hóa. Các trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương. Hệ thống quản lý văn bản liên thông, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử,… đều phát huy tác dụng.

Tỉnh đã hoàn thành triển khai các ứng dụng phát triển chính quyền điện tử theo Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Bạc Liêu đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (mức cao nhất) đối với 683 trong tổng số 2.006 thủ tục hành chính. Có khoảng 130.000 giao dịch của người dân, doanh nghiệp thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã mỗi năm. Tình hình xử lý hồ sơ (tiếp nhận, đã xử lý, chưa xử lý) và các thống kê khác có liên quan được tự động cập nhật trên https://dichvucong.baclieu.gov.vn, tạo sự minh bạch trong phục vụ công ích.

Từ đó, hình thành phương thức làm việc mới trong hoạt động công vụ, nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch trong phục vụ Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn. Năm 2020, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT, truyền thông tỉnh Bạc Liêu xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy xác định chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh. Đồng thời là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp để Bạc Liêu bứt phá phát triển.

Do đó, Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ. Xây dựng cơ sở dữ liệu số của tỉnh, tạo điều kiện để người dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước.

Để bắt nhịp cùng thời đại, chuyển mình trong thế giới số, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm gương mẫu, tích cực nghiên cứu, tiếp cận kiến thức khoa học - công nghệ. Song song đó, đổi mới tư duy, phương thức quản lý, hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để phục vụ có hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

.................................................................................................................................................................................................................................

Một lần khai báo, trọn đời phục vụ

Về phát triển chính quyền số đến năm 2025, Bạc Liêu đưa ra chỉ tiêu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dự liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Kết nối, chia sẻ toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn tỉnh thông qua nền tảng đô thị thông minh của tỉnh, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến 2030, mọi dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều thiết bị truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).

.................................................................................................................................................................................................................................

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.