Phát triển kết cấu hạ tầng: Động lực để Bạc Liêu thực hiện thắng lợi các đột phá

Thứ Hai, 02/11/2020 | 16:56

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã thành công tốt đẹp và đang mở ra một giai đoạn mới với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh khá của khu vực và cả nước. Song, cùng với những thuận lợi, Bạc Liêu cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong điều kiện nguồn lực và hạ tầng còn hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh nhấn nút khởi công Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1. Ảnh: M.Đ

TĂNG TRƯỞNG CHỨ CHƯA PHÁT TRIỂN?

Trong nhiệm kỳ qua, với sự chung sức của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, Bạc Liêu đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những kết quả đáng ghi nhận đó chính là công tác thu hút và mời gọi đầu tư, qua đó góp phần quan trọng vào tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giúp Bạc Liêu cải thiện nhanh về tăng trưởng kinh tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bạc Liêu đã thu hút được 69 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 128.866 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số dự án thu hút được đến nay 155 dự án. Trong đó, 140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 46.106,39 tỷ đồng và 15 dự án nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD. Đặc biệt vào đầu năm 2020, tỉnh đã thu hút, trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200MW, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL và được kỳ vọng sẽ giúp Bạc Liêu trở thành “điểm sáng” của vùng về thu hút đầu tư…

Với các dự án động lực trên, đã mở ra nhiều cơ hội để Bạc Liêu trở thành trung tâm về phát triển nuôi tôm công nghệ cao, trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, sự tăng nhanh ấy không phải là phát triển. Mạnh dạn nhìn nhận thực tế này để thấy rằng, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà phải nỗ lực rất nhiều, nếu không thì mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành các trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi đến nay, thu ngân sách của tỉnh vẫn chưa tạo ra nhiều nguồn thu lớn và chủ yếu là nguồn thu từ xổ số kiến thiết (chiếm gần 50%); quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thu nhập bình quân đầu người chưa cao và nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng vẫn còn yếu và thiếu.

Cụ thể, để góp phần cho tăng trưởng kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng thì vốn là yếu tố đầu tiên, nhưng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, Bạc Liêu không phải là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Do vậy, khả năng Bạc Liêu sẽ khó có được nguồn vốn đầu tư lớn từ Trung ương. Trong khi đó, doanh nghiệp của tỉnh chiếm phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên cũng hạn chế về khả năng tài chính trong việc tham gia vào các dự án lớn phục vụ cho tăng trưởng.

Vấn đề đáng nói, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng GDP của Bạc Liêu cải thiện rất nhanh, từ 5,38% năm 2016 vượt lên 11% trong năm nay. Điều này rất dễ bị nhầm lẫn nền kinh tế của tỉnh đang phát triển, nhất là khi Bạc Liêu được xếp thứ 2 ở khu vực ĐBSCL về tăng trưởng GRDP năm 2020. Thế nhưng, đó chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, quy mô mà chủ yếu nhờ vào tăng tổng vốn đầu tư, còn phát triển vẫn còn là câu chuyện đáng bàn, vì nó còn phụ thuộc vào các chỉ số khác. Trên thực tế, có những địa phương tăng trưởng về kinh tế, nhưng lại không được xem là tỉnh phát triển. Như tổng thu ngân sách có thể đạt hàng ngàn tỷ đồng/năm, nhưng người dân vẫn còn nghèo, môi trường bị ô nhiễm… thì không thể xem là phát triển. Bởi sự phát triển còn phải gắn với “chỉ số hạnh phúc” của con người như: thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ người biết chữ, tuổi thọ bình quân, công bằng xã hội, môi trường được đảm bảo… Đây chính là lý do mà Đảng ta đề ra mục tiêu cho phát triển bền vững là “tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.

Nạo vét tuyến giao thông kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau cho phát triển giao thông đường thủy. Ảnh: L.D

NHIỀU THÁCH THỨC PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU

Để tăng trưởng nhanh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng” là một trong 3 đột phá đến năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là khâu quan trọng.

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, Bạc Liêu là tỉnh yếu kém về hạ tầng giao thông và tạo ra khả năng kết nối thấp. Đặc biệt, trong điều kiện Bạc Liêu nằm giáp với biển, bị ảnh hưởng trực tiếp từ triều cường, nước biển dâng và xâm nhập mặn là khó tránh khỏi. Trong khi đó, qua khảo sát và đánh giá thực trạng hạ tầng giao thông của tỉnh thì Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 chưa xét đến tình hình biến đổi khí hậu (hạn hán, sạt lở, lún sụt, nước biển dâng) nên không tạo ra khả năng để ứng phó. Thêm vào đó, các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đi qua vùng địa chất là vùng đất yếu, phải vượt qua nhiều kênh rạch, và thường nằm cặp các bờ kênh nên dễ bị xói lở; tập quán dân cư sống hai bên đường và tập trung dân cư tại các đầu mối giao thông (ngã ba, ngã tư, hai đầu cầu) và cách xa các nguồn vật liệu xây dựng chủ yếu (như cát, đá, xi măng, sắt thép, nhựa đường…) nên suất đầu tư lớn. Từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh so với quy hoạch còn chậm, do thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng. 

Một số tuyến đường địa phương chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, hiện quy mô chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, các tuyến trục ngang chưa kết nối với các tuyến quốc lộ (đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh). Một số công trình giao thông mang tính động lực của tỉnh chưa cân đối được vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch (như cảng biển Bạc Liêu, một số cầu lớn trên các đường tỉnh, bến xe tỉnh Bạc Liêu, các tuyến đường huyết mạch như tuyến Phước Long - Ba Đình, Phó Sinh - Cạnh Đền, đường từ cầu Tôn Đức Thắng đi đê biển...) nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển bền vững và chủ động thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Song song đó, một số tuyến đường tỉnh xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, chỉ thực hiện duy tu sửa chữa chủ yếu là dặm vá, khắc phục hư hỏng, gia cố lề để đảm bảo giao thông nên chất lượng mặt đường còn kém và hạn chế tải trọng khai thác. Công tác tổ chức quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng khó khăn do các tuyến đường giao thông đã đầu tư đến thời kỳ trùng tu, đại tu cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện (trong khi ngoài nguồn kinh phí bảo trì đường bộ do Trung ương cấp thì nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh rất hạn chế - chỉ có 3 tỷ đồng/năm). Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra (mưa, nước biển dâng, hạn hán kéo dài) tác động rất lớn đến công trình giao thông, gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn giao thông và bảo trì công trình giao thông. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan khác như: chi phí vật tư, nhân công ngày càng tăng, nhu cầu lưu lượng và tải trọng xe ngày càng cao, trong khi kết cấu mặt đường ngày càng xuống cấp…

Riêng các tuyến giao thông đường thủy do tỉnh quản lý (gồm 18 tuyến, dài 452km) chưa được đầu tư nạo vét gây khó khăn cho phát triển giao thông thủy. Các tuyến kênh trục ngang nối kênh Bạc Liêu - Cà Mau với kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp có đặc điểm chung là bị chặn bởi các cống ngăn mặn nên làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khi vận chuyển hàng hóa từ vùng phía Nam Quốc lộ 1A đến vùng phía Bắc Quốc lộ 1A và ngược lại.

Để giải quyết những khó khăn này, cùng với tăng cường đầu tư, Bạc Liêu cần chủ động, khẩn trương tạo ra hệ thống giao thông trong liên kết trục dọc, trục ngang và quan tâm đầu tư đến các tuyến giao thông gần với các tỉnh giáp ranh như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang… Trong đó, nhanh chóng xây dựng các công trình giao thông mang tính điểm nhấn như: mở rộng, nâng cấp lộ Vĩnh Hưng - Ninh Quới, Phước Long - Hồng Dân; cầu Xẻo Vẹt nối Ngan Dừa và Long Mỹ (Hậu Giang), tuyến Giồng Nhãn - Gành Hào nối với cầu Gành Hào của Đầm Dơi (Cà Mau)…

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, vượt qua các khó khăn và thách thức trên sẽ trở thành động lực để cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục thi đua cống hiến, lao động sáng tạo, hoàn thành các mục tiêu, đột phá đã đề ra.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.