Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Phát triển nguồn nhân lực: Quyết tâm và hành động thực tiễn
Một trong những cái khó của Bạc Liêu trong những ngày đầu tiên tái lập tỉnh chính là thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ cũng như lực lượng lao động có tay nghề trên các lĩnh vực. 25 năm trên con đường phát triển, Bạc Liêu đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực cốt yếu này để làm nền tảng bật dậy khát vọng vươn lên của một tỉnh nghèo. Dù là gặt hát được nhiều thành quả như mong muốn hay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc xây dựng một nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì các chủ trương, chính sách đó đều thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Bạc Liêu về sự đột phá căn cơ từ trong nội lực. Vấn đề còn lại để nghị quyết đi vào cuộc sống và trở thành động lực cho phát triển nguồn lực then chốt này, chính là sự nỗ lực và tâm huyết của các cấp ủy đảng, chính quyền!
Bài 2: Sức bật cho nguồn nhân lực
>>Bài 1: Những chủ trương khơi dậy sức mạnh nội sinh
Để giải quyết bài toán hụt hẫng về nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở từ những năm đầu chia tách tỉnh, bên cạnh những giải pháp tức thời, Bạc Liêu đã đồng thời triển khai những chủ trương dài hơi để lấp đầy khoảng trống về nguồn lực con người. Và kết quả của tầm nhìn chiến lược ấy đã trở thành nền tảng để Bạc Liêu có được nguồn “nguyên khí” quan trọng để đưa tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước phát triển, đứng vào tốp đầu, thậm chí vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL vào năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân khen thưởng cá nhân đạt thành tích cao trên các lĩnh vực. Ảnh: P.A
Những chuyển biến toàn diện
Để có được một đội ngũ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập quốc tế, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, thời gian đầu sau khi “ra riêng”, Bạc Liêu đã dồn lực cho công tác đào tạo ngay gần 11.000 cán bộ, trong đó đào tạo đại học gần 1.000 người, thạc sĩ, tiến sĩ 50 người, còn lại là củng cố lý luận chính trị cho gần 9.890 cán bộ.
Đặc biệt, khi tách tỉnh, hầu hết cán bộ cốt cán đều được điều động, bổ sung cho cấp tỉnh, do đó cấp xã, phường, thậm chí là cấp huyện xuất hiện sự “hẫng hụt” cán bộ có trình độ, chuyên môn. Vì vậy, song song với công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm, tỉnh mạnh dạn triển khai chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại hoc về công tác ở cơ sở. Trong 10 năm thực hiện chủ trương, Bạc Liêu đã chi 75 tỷ đồng cho việc chi trả các chế độ chính sách để có được nguồn lực trẻ, được đào tạo bài bản để tăng cường cho cơ sở. Với nguồn vốn đầu tư này, cả lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố vẫn cho rằng kết quả mang lại “khá lời”, vì thông qua đó đã tuyển chọn được 448 trí thức trẻ có trình độ đại học, hiện đang còn công tác 310 người. Các trí thức trẻ được tuyển dụng về cơ sở chủ yếu ở các ngành nghề như: nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông thôn, luật, kinh tế, công nghệ thông tin, địa chính, xây dựng… Được bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, phát huy được năng lực của bản thân, nhiều cán bộ trẻ đã trưởng thành từ chủ trương này, giữ chức vụ chủ chốt ở nhiều cơ quan, đơn vị các cấp.
Sau khi vượt qua được những khó khăn bước đầu, Bạc Liêu không bỏ lỡ cơ hội hội nhập bằng Đề án Mê Kông 50 nhằm đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài. Đề án này, tỉnh đã tuyển chọn được 46/50 ứng viên ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, nông nghiệp, y khoa… Hiện nguồn nhân lực chất lượng cao này đã hoàn thành chương trình đào tạo và Bạc Liêu đã có thêm gần 30 tiến sĩ, thạc sĩ phục vụ ở một số lĩnh vực quan trọng.
Việc chú trọng cho phát triển nguồn nhân lực cùng với các chính sách thu hút nhân tài trên các lĩnh vực đã giúp Bạc Liêu từng bước giải được bài toán khó trên con đường phát triển. Sau chặng đường 25 năm phát triển nguồn nhân lực, trải thảm đỏ thu hút nhân tài, hiện bộ máy các cấp của tỉnh gần như được chuẩn hóa. Cụ thể: cấp tỉnh và huyện có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 73,90% (27 tiến sĩ; 750 thạc sĩ; 40 bác sĩ chuyên khoa II; trên 9.360 cán bộ có trình độ đại học; cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 99,28% (trong đó có 36 thạc sĩ; 1.200 đại học; 16 cao đẳng; 131 trung cấp).
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Bạc Liêu) thực hành lắp ráp máy vi tính. Ảnh: H.T
Nhận diện điểm yếu
Luôn được xác định là khâu đột phá quan trọng của hiện tại và cả tương lai, tuy nhiên trên thực tế, mặc dù có được những kết quả đáng mừng nhưng trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực vẫn vướng phải những bất cập mà tỉnh chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Đơn cử như trong đề án thu hút sinh viên, trí thức trẻ về cơ sở thì có gần 150 người khi hết thời gian thu hút đã “ra đi” vì hoặc không được tuyển dụng biên chế, hoặc thu nhập ở cơ sở quá thấp trong khi đội ngũ cán bộ cơ sở vẫn chưa được chuẩn hóa toàn bộ. Còn đối với Đề án Mê Kong 50, Mê Kong 1.000 hay chủ trương đào tạo, thu hút bác sĩ chuyên khoa I, II, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài về... không ít người tài đã từ chối gắn bó với địa phương sau thời gian được đưa đi đào tạo hay trải thảm đỏ mời về. Tình trạng chảy máu chất xám thời gian qua vì các nguyên nhân: chính sách đãi ngộ chưa phù hợp, môi trường làm việc không phát huy được sở trường, năng lực… không chỉ gây hụt hẫng cho đơn vị sử dụng mà còn để lại nhiều tiếc nuối cho ngành quản lý. Một bác sĩ chuyên khoa I đã từng làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng dù rất muốn cống hiến cho đơn vị, cho quê hương, nhưng việc gắn bó lâu dài là rất khó vì ngoài nguyên nhân thu nhập, điều đáng nói là trang thiết bị bệnh viện khá lạc hậu, môi trường làm việc không giúp họ phát huy được tất cả những gì đã học, do đó rất khó để phát triển nghề nghiệp.
Ông Ngô Công Hầu - Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Quả thật, thời gian qua dù tỉnh đạt không ít những kết quả trong phát triển, thu hút nguồn nhân lực nhưng với sự chuyển động, phát triển không ngừng hiện nay thì một số chủ trương, chính sách trước đây đã không còn phù hợp và cần được điều chỉnh, bổ sung. Đón đầu “vận hội mới” thì “nguồn nhân lực” vẫn là chìa khóa để Bạc Liêu đột phá trên các lĩnh vực, nhất là 5 trụ cột mà tỉnh đã xác định, vì vậy Nghị quyết 12 của BCH Đảng bộ tỉnh “về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” sẽ có những kế thừa và phát huy những chủ trương trước đó một cách hiệu quả”.
Tuyết Thanh
- Bàn giao nhà cho người nghèo theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Đông Hải
- Khai mạc Đại hội Thể thao học sinh huyện Đông Hải lần thứ XI
- Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh: Bàn giao 47 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Ủy ban MTTQ TP. Bạc Liêu: Triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2025
- Khen thưởng 2 quần chúng có thành tích truy bắt tội phạm