Phát triển nguồn nhân lực: Quyết tâm và hành động thực tiễn

Thứ Sáu, 18/03/2022 | 16:15

Một trong những cái khó của Bạc Liêu trong những ngày đầu tiên tái lập tỉnh chính là thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ cũng như lực lượng lao động có tay nghề trên các lĩnh vực. 25 năm trên con đường phát triển, Bạc Liêu đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực cốt yếu này để làm nền tảng bật dậy khát vọng vươn lên của một tỉnh nghèo. Dù là gặt hát được nhiều thành quả như mong muốn hay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc xây dựng một nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì các chủ trương, chính sách đó đều thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Bạc Liêu về sự đột phá căn cơ từ trong nội lực. Vấn đề còn lại để nghị quyết đi vào cuộc sống và trở thành động lực cho phát triển nguồn lực then chốt này, chính là sự nỗ lực và tâm huyết của các cấp ủy đảng, chính quyền!

Bài cuối: Đầu tư nguồn nhân lực cho phát triển bền vững

>>Bài 1: Những chủ trương khơi dậy sức mạnh nội sinh

>>Bài 2: Sức bật cho nguồn nhân lực

Với khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, đột phá thay đổi diện mạo tỉnh nhà từ 5 trụ cột kinh tế - xã hội thế mạnh, xây dựng thủ phủ tôm lớn nhất, trung tâm năng lượng sạch của cả nước…, Bạc Liêu cũng đã xác định nguồn lực con người chính là yếu tố quan trọng để tất cả các mục tiêu được về đích đúng hạn, thậm chí là sớm hơn. Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” thể hiện rõ quyết tâm “sở hữu” được một nguồn nhân lực chất lượng cao “đủ tầm, đủ tâm” cho công cuộc hội nhập, phát triển nhanh và bền vững.

Khai thác tốt nhất tiềm năng trí tuệ

Mục tiêu của Nghị quyết 12 là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước; trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực then chốt, trụ cột của tỉnh. Để tạo đà cho nguồn “nội lực” sẵn có, tỉnh tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, từ xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đến nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, giảng viên, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận tốt Chương trình Giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo và hội nhập quốc tế.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực trụ cột là công nghiệp, năng lượng ở hiện tại và tương lai lâu dài thì giải pháp của tỉnh là bắt tay ngay vào việc phối hợp với các trường đại học tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ ở các ngành công nghiệp, năng lượng, điện, cơ khí, xây dựng...; ưu tiên đối tượng là con em Bạc Liêu để phục vụ, làm việc trong các ngành công nghiệp, nhất là các dự án công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ở lĩnh vực này tỉnh cũng thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao như tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư tay nghề cao, chuyên gia… Trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng sẽ vừa đào tạo cán bộ, nâng cao tay nghề lao động, nhất là trong dân trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, vừa thu hút nguồn nhân lực là các chuyên gia đầu ngành; đồng thời tổ chức nhiều cuộc xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ cao thông qua các đề án, chương trình hợp tác cụ thể với các viện, trường, nhà khoa học và địa phương trong, ngoài nước…

Đối với nguồn lực là công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tỉnh đã xây dựng giải pháp sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp; đặc biệt chú trọng việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường; mạnh dạn thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm và uy tín thấp. 

Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh nghiên cứu nhân giống đông trùng hạ thảo. Ảnh: H.T

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống

Tất cả các giải pháp và mục tiêu cụ thể đã được xây dựng đầy đủ trong nghị quyết, vấn đề còn lại là làm thế nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Do đó, sau khi ban hành Nghị quyết 12, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy đảng cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với địa phương, đơn vị. Trong đó, trách nhiệm đầu tàu là kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn nhân lực của UBND tỉnh. Được biết, UBND tỉnh đã dự toán kinh phí hàng trăm tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời có chính sách thu hút thỏa đáng đối với người có trình độ cao ở các lĩnh vực tỉnh đang cần như nông nghiệp chất lượng cao, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch, cán bộ quản lý,… ưu tiên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phục vụ cho phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Đồng thời các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động có những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực. TX. Giá Rai ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng, phát triển nguồn cán bộ, quản lý của thị xã đến năm 2025 với mục tiêu: 20% cán bộ thuộc diện BTV Thị ủy quản lý được đào tạo sau đại học; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp thị xã và xã, phường có trình độ đại học… Đối với TP. Bạc Liêu, địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp, luân chuyển cán bộ, nhất là ở các “chốt” yếu, không thể phát huy sở trường, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ… Đặc biệt, thời gian tới thành phố sẽ thí điểm chủ trương thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; người đứng đầu lựa chọn cán bộ quy hoạch để thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên BTV và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình…

Thực tiễn qua thời gian thực hiện các chủ trương, chính sách về nguồn nhân lực cho thấy, để thực hiện tốt khâu đột phá về nguồn lực này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó khâu đào tạo lao động, nhân lực tay nghề cao cũng phải phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đang thiếu, yếu. Bên cạnh đó, cần gắn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Thực tế cho thấy, nếu có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng không có cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ hợp lý thì cũng không thu hút được lực lượng này và sẽ dẫn đến “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ cơ sở - nơi gần dân nhất thì luôn biến động, việc bố trí sử dụng ở địa phương không ổn định, lâu dài…

Phấn đấu đến năm 2030:

+ Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện có ít nhất 15% dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

+ Cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ đại học và chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

+ Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ khoa học ở các lĩnh vực then chốt, thế mạnh của tỉnh; số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người/vạn dân.

Tuyết Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.